Ứng dụng công nghệ nano bảo vệ di tích Mỹ Sơn

Công trình tháp B5 thuộc khu di tích Mỹ Sơn đã được ứng dụng công nghệ sinh học và nano nhằm bảo vệ công trình khỏi những vi sinh vật gây hại.

Bộ VHTTDL cho biết, bắt đầu từ ngày 22/6, đoàn chuyên gia của Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình (thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) đã bắt đầu tiến hành việc ứng dụng công nghệ sinh học và nano bảo vệ di tích Mỹ Sơn.

Được biết, phương pháp ứng dụng công nghệ sinh học và nano là một phương pháp mới, có tính  hiệu quả cao lại không gây hại đến môi trường.

Để có thể bắt đầu thực hiện được công việc này tại tháp B5, trước đó 1 tuần, đoàn chuyên gia đã phải xử lý cây cỏ dại bằng công nghệ sinh học, sau đó dùng các loại thuốc sinh học bơm vào thân cây để diệt tận gốc. Tiếp theo bề mặt tháp sẽ được trám bít bằng dầu rái rồi cuối cùng mới phủ chất liệu nano.

Việc ứng dụng công nghệ nano để bảo vệ di tích Chăm tại Quảng Nam đã được UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất lên Bộ VHTTDL từ năm 2013, trong đó có nêu rõ việc chọn công nghệ của tập đoàn Guard Industry (Pháp). Sau khi xem xét, Bộ VHTTDL đã cho phép và chọn nhóm tháp Chiên Đàn (tại huyện Phú Ninh) để triển khai thực hiện.

Với công trình tháp B5 trong khu di tích Mỹ Sơn, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình dự kiến sẽ có kết quả của đợt thử nghiệm lần này vào tháng 9 tới.

Tháp B5 là nơi cất giữ đồ cúng tế của nhóm tháp B. Mặc dù là công trình phụ, nhưng đây là tháp đẹp nhất trong nhóm B. Tháp có mặt bằng hình chữ nhật, kéo dài theo trục Đông-Tây. Cửa ra vào ở hướng Bắc, nằm ở phần nửa mặt từng ở phía Tây.

Trên tường tháp chạm những dải hoa văn hình cành lá cuộn tròn liên hoàn, trong những ô cửa giả có hình người đứng chắp tay được chạm trên tường gạch, đầu tượng được làm bằng sa thạch.

Trên mặt tường phía Đông và Tây, mỗi bên trổ 1 ô cửa sổ, song cửa sổ là 3 trụ đá hình con tiện, phía trên cửa sổ có vòm cuốn, bên trong mỗi vòm cuốn chạm hình 2 con voi đứng đấu vòi dưới một tán cây. Mái tháp là một tầng thu nhỏ mô phỏng phần thân tháp, đỉnh tháp cong hình thuyền (hoặc hình yên ngựa), được xếp bằng gạch.

Tháp B5 có niên đại khoảng thế kỷ X.

Nguồn Chính phủ