Vai trò đồng chí Nguyễn Thị Thập trong việc thống nhất Xứ ủy Nam kỳ

Sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (ngày 23-11-1940), thực dân Pháp thực hiện chính sách đàn áp, khủng bố dã man và kéo dài chưa từng thấy. Đảng bộ Nam kỳ bị tổn thất nặng nề. Hầu hết cán bộ lãnh đạo trung kiên, cốt cán của Đảng đều bị bắt, bị giết hoặc bị đưa vào các nhà tù, đày ra Tà Lài, Bà Rá, Côn Đảo…; số đảng viên còn lại phải tạm lẩn tránh, nơi còn lực lượng cũng phải “nằm yên”.

Hệ thống tổ chức Đảng từ cấp Xứ đến cơ sở bị phá vỡ gần hết. Hàng ngàn đảng viên, quần chúng cách mạng bị bắn giết, tù đày. Toàn Nam kỳ bị mất 90% cán bộ cách mạng. Đảng bộ Nam kỳ xa Trung ương, thường mất liên lạc với Trung ương. Từ cuối năm 1941 đến gần cuối năm 1943 Nam bộ không có Xứ ủy, không còn hệ thống tổ chức Đảng từ trên xuống dưới, hoàn toàn mất liên lạc với Trung ương.

Bà Nguyễn Thị Thập trò chuyện cùng các đại biểu nữ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9-1960).
Bà Nguyễn Thị Thập trò chuyện cùng các đại biểu nữ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9-1960).

Tháng 1-1941, một số đồng chí còn lại của Xứ ủy tổ chức Hội nghị mở rộng để nhận định tình hình, bàn chủ trương mới, lập lại Xứ ủy gồm 11 đồng chí, trong đó có các đồng chí: Phan Văn Khỏe, Phan Văn Bảy, Phạm Thái Bường, Dương Công Nữ…

Cơ quan của Xứ ủy vẫn đóng ở Sài Gòn. Xứ ủy ra Báo Giải Phóng làm cơ quan ngôn luận. Trong khi đang gấp rút củng cố, gầy dựng cơ sở chuẩn bị khởi nghĩa lần thứ hai thì từ tháng 6 đến tháng 8-1941 các đồng chí trong Xứ ủy lần lượt bị bắt.

Trong tình hình địch ra sức khủng bố, bắt bớ cán bộ, đảng viên và những người yêu nước, các đảng viên còn lại sau khởi nghĩa Nam kỳ, các đảng viên vượt ngục trở về tiến hành gầy dựng lại cơ sở Đảng. Về tổ chức, hình thành 2 hệ thống tổ chức Đảng, do 2 Xứ ủy lãnh đạo là: Xứ ủy Nam kỳ Tiền Phong và  Xứ ủy Nam kỳ Giải Phóng.

Tháng 10-1943, Ban Cán sự miền Đông đang xúc tiến thành lập Xứ ủy và Kỳ bộ Việt Minh Nam kỳ thì bị địch phát hiện, đánh phá, bắt giam, chỉ còn lại 2 đồng chí là Lê Hữu Kiều và Hoàng Dư Khương thoát được về Hóc Môn (Gia Định). Các đồng chí còn lại của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho: Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Văn Cảnh… vẫn bám trụ hoạt động ở miền Tây.

Trong thời gian 1943 – 1944, các đồng chí cử người liên lạc được với Ban Cán sự miền Đông (nhóm đồng chí Lê Hữu Kiều). Nhận được tài liệu của Mặt trận Việt Minh, nhóm của đồng chí Nguyễn Thị Thập phân công nhau gầy dựng cơ sở ở Mỹ Tho, Chợ Lớn, Tân An, Sa Đéc, Châu Đốc, Long Xuyên…; đồng thời cử người liên lạc với đồng chí Trần Văn Vi (Di), tức Dân Tôn Tử đang bị tù ở Tà Lài, yêu cầu đồng chí vượt ngục để tham gia khôi phục lại Xứ ủy. Nhóm của đồng chí Nguyễn Thị Thập đẩy mạnh các hoạt động khôi phục tổ chức.

Sau khi gây dựng được Tỉnh ủy lâm thời, được bổ sung một số đồng chí vừa thoát ngục như Trần Văn Vi, Tô Ký…, ngày 25-2-1945 nhóm đồng chí  Nguyễn Thị Thập tổ chức Hội nghị tại Xoài Hột (huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho) lập ra Xứ ủy lâm thời Nam kỳ, do đồng chí Trần Văn Vi làm Bí thư.

Ngày 20 và 21-4-1945, Xứ ủy do đồng chí Nguyễn Thị Thập tổ chức ở Xoài Hột (Mỹ Tho) tiến hành Hội nghị mở rộng tại Bà Điểm (Gia Định), nhận định tình hình, bàn biện pháp phát triển tổ chức Đảng, bổ sung các đồng chí ở Gia Định, Tây Ninh, Thủ Dầu Một vào Ban Cán sự miền Đông, củng cố Ban Cán sự miền Tây, lập Mặt trận Việt Minh bên cạnh cấp ủy.

Tháng 5-1945, Xứ ủy liên lạc được với đồng chí Lê Hữu Kiều, Hoàng Dư Khương (trong Ban Cán sự miền Đông lập tháng 10-1943, vỡ tháng 10-1944) và đã triệu tập Hội nghị tại Bà Điểm (Gia Định), bầu lại Xứ ủy, phân công đồng chí Lê Hữu Kiều làm Bí thư, phụ trách tuyên truyền và báo chí; đồng chí Trần Văn Vi và Nguyễn Thị Thập phụ trách công tác vận động xây dựng các đoàn thể cứu quốc, huấn luyện quân sự, tiếp tục thành lập các Tỉnh ủy lâm thời.

Đồng chí Trần Văn Vi phổ biến chủ trương ở các tỉnh và bắt thêm liên lạc với các cơ sở để thống nhất tổ chức. Hội nghị còn bàn việc bắt tay với Tiền Phong để đi đến thống nhất về đường lối, trên cơ sở đó thống nhất về tổ chức.

Xứ ủy đóng ở Gia Định, ra 2 tờ báo Độc Lập và Giải Phóng. Sau đó, hệ thống tổ chức Đảng từ cấp Xứ đến cơ sở được hình thành. Đến trước ngày tổng khởi nghĩa, Xứ ủy có cơ sở ở nhiều tỉnh Nam kỳ (chủ yếu ở vùng nông thôn), trong đó có 10 Tỉnh ủy hoặc Ban Cán sự được thành lập ở Mỹ Tho, Bến Tre, Sa Đéc, Vĩnh Long, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn.

Việc thống nhất 2 Xứ ủy là một yêu cầu bức thiết, nhằm thống nhất hệ thống tổ chức Đảng, tập hợp sức mạnh của quần chúng cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Với uy tín của mình, đồng chí Nguyễn Thị Thập chủ động móc nối cán bộ ở một số tỉnh, thành lập các Tỉnh ủy lâm thời.

Sau khi thành lập Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho (ngày 18-3-1945), do đồng chí Trần Văn Vi làm Bí thư (thuộc Xứ ủy Giải Phóng) và Tỉnh ủy Sa Đéc, đồng chí Nguyễn Thị Thập tiếp tục móc nối để xúc tiến thành lập các Tỉnh ủy: Chợ Lớn, Gia Định, Sài Gòn…

Khoảng tháng 4-1945, đồng chí Nguyễn Thị Thập cùng các đồng chí Trần Văn Vi, Trần Văn Giàu, Hoàng Dư Khương… tiến hành cuộc họp tại Xoài Hột (Mỹ Tho) bầu Xứ ủy lâm thời, tổ chức và củng cố các đoàn thể quần chúng cứu quốc như: Thanh niên, Phụ nữ, Nông hội…

Lúc này Xứ ủy (Tiền Phong) do đồng chí Trần Văn Giàu làm Bí thư hoạt động mạnh vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, Xứ ủy lâm thời (Giải Phóng) do đồng chí Trần Văn Vi làm Bí thư hoạt động mạnh vùng miền Trung và miền Tây Nam kỳ.

Khoảng tháng 5-1945, Xứ ủy Giải Phóng cử đồng chí Nguyễn Thị Thập, đại diện cho Xứ ủy đến nhà ông Trần Văn Hoài (Hương trưởng Hoài, quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho) gặp đồng chí Trần Văn Giàu (đại diện cho Xứ ủy Tiền Phong) bàn việc thống nhất Xứ ủy. Những nội dung để đi đến thống nhất Xứ ủy do đồng chí Nguyễn Thị Thập chuẩn bị trước, được bàn bạc kỹ.

Sau lần gặp giữa đại diện 2 Xứ ủy Giải Phóng và Tiền Phong tại nhà Hương trưởng Hoài, đồng chí Nguyễn Thị Thập đề nghị có cuộc họp sau. Khoảng tháng 6 (âm lịch) năm 1945, 2 bên có cuộc họp chung tại nhà ông Bảy Trân (xã Long An, Mỹ Tho) quyết định thành lập Tỉnh ủy thống nhất Mỹ Tho, lấy tên là Tỉnh ủy Mỹ Tho, có các đồng chí: Dương Khuy, Trần Văn Hiển, Cò Rở, Đặng Văn Quế, Nguyễn Văn Chim, Nguyễn Văn Còn, Nguyễn Văn Cảnh, Sáu Cự…, do đồng chí Dương Khuy làm Bí thư.

Việc hợp nhất 2 tổ chức Đảng (2 Xứ ủy: Xứ ủy Giải Phóng và xứ ủy Tiền Phong) là một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của Đảng, cũng như tinh thần và khả năng cách mạng của các đồng chí ở Nam kỳ trong điều kiện bị địch khủng bố, lại ở xa Trung ương; minh chứng sự trung kiên với sự nghiệp cách mạng, đáp ứng đòi hỏi của phong trào cách mạng về một cơ quan lãnh đạo thống nhất trong Xứ.

Việc hợp nhất 2 tổ chức Đảng ở Nam kỳ cũng minh chứng vai trò quan trọng của đồng chí Nguyễn Thị Thập với uy tín của mình đã có những hoạt động để gắn kết thành một Xứ ủy thống nhất để lãnh đạo nhân dân trong Xứ, tạo tiền đề cơ bản cho thắng lợi của các giai đoạn tiếp theo.

Lược ghi tham luận của

ThS. LÊ ÁI SIÊM

(Nguyên Giám đốc Bảo tàng Tiền Giang)