Văn học nghệ thuật với vấn đề đạo đức xã hội

Mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật với đạo đức xã hội là mối quan hệ mang tính bản chất, biện chứng. Đó là mối quan hệ thẩm mỹ giữa văn học nghệ thuật với hiện thực, nó vừa mang tính chủ quan của người văn nghệ sĩ vừa tuân theo những đòi hỏi nghiêm ngặt của lý luận phản ánh và quy luật sáng tạo. Đó là một quá trình vừa tác động, vừa nuôi dưỡng vừa gợi mở lẫn nhau. Văn học nghệ thuật không đồng nhất với đạo đức; nhưng thống nhất rất cao trong mục tiêu kiến tạo đạo đức làm cho con người trở nên người hơn. Vì vậy quan niệm truyền thống đạo đức là hồn cốt của văn chương, nghệ thuật vẫn còn nguyên giá trị.

Nói quan hệ giữa văn học nghệ thuật và đạo đức xã hội mang tính bản chất vì chức năng cao quý của văn học nghệ thuật là hướng thiện. Toàn bộ cuộc sống của con người từ hành vi, ứng xử, quan hệ xã hội đến thế giới nội tâm tinh tế và sâu thẳm đều là đối tượng “hiểu biết, khám phá, sáng tạo” của văn nghệ sĩ. Nghệ sĩ thâm nhập vào thế giới rộng lớn đó với khát vọng xây dựng hình tượng nghệ thuật sống động, có sức khái quát cao về một kiểu người, một cách sống, bày ra cả một bức tranh xã hội “thực hơn cả hiện thực”. Mọi thao tác nghệ thuật có thể muôn hình muôn vẻ, mọi cảm hứng có thể diễn ra theo nhiều cung bậc, nhưng tất cả đều nhằm chuyển tải một thông điệp xã hội của người nghệ sĩ trước biết bao vấn đề đang đặt ra, trong đó đạo đức xã hội là một trong những vấn đề quan trọng nhất.

Đạo đức xã hội là một phạm trù lịch sử, mỗi tầng lớp, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc đều hình thành những quy tắc, những chuẩn mực thành văn hoặc bất thành văn về hành vi, ứng xử, quan hệ giữa các thành viên. Những quy ước đó hình thành một hệ giá trị, có tính ổn định tương đối và sẽ thay đổi cùng với sự thay đổi chung của xã hội và thời cuộc. Nhưng dù thay đổi đến đâu, cuộc sống vẫn giữ lại những hạt nhân cơ bản nhất. Đó là tình yêu thương con người, trọng danh dự, trọng tình nghĩa, yêu nước, dám hy sinh vì nghĩa lớn. Nói gọn là chủ nghĩa nhân văn. Đó là sợi dây tinh thần kết nối từ đời này qua đời khác, tạo thành truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam.

Các nghệ sĩ biểu diễn trong lễ diễu binh, diễu hành tại Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 5-2014. Ảnh: Minh Huệ.

Ở đâu và lúc nào thì yêu cầu xây dựng đạo đức cũng là yêu cầu mang tính sống còn của con người, của xã hội. Khi các giá trị chân, thiện, mỹ trở thành một lẽ sống thì đạo đức trở thành một động lực, thôi thúc con người vươn tới những gì tốt đẹp nhất. Câu thơ Tố Hữu: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người với người sống để yêu nhau” là mơ ước tột đỉnh về giá trị đời sống, là cái khát khao vươn tới của mỗi một con người. Nó là yêu cầu tối thiểu đồng thời là mục tiêu tối đa đối với một con người, một xã hội.

Vì đạo đức là lẽ sống, là khát vọng, là những chuẩn mực của những mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, nên nó rất gần với triết học. Vì vậy, các nhà tư tưởng đồng thời cũng là những nhà đạo đức học. Trong lịch sử tư tưởng của nhân loại, đã có nhiều học thuyết, tư tưởng đề cập đến số phận con người, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của con người muốn được giải tỏa những bế tắc trong cuộc sống, giải thoát khỏi những hạn chế ràng buộc của tự nhiên, xã hội và của bản thân con người. Đó chính là những tư tưởng nhân văn, nhân đạo được thể hiện ở những mức độ, trình độ khác nhau. Nhưng những tư tưởng nhân văn, nhân đạo ấy thường chỉ dừng lại ở ước mơ, ảo tưởng, chỉ là sự phản ánh những nguyện vọng của con người về một tương lai, về những mối quan hệ giữa người với người tốt đẹp hơn. Điều này có thể thấy trong khá nhiều học thuyết, kể cả các tôn giáo.

Tuy nhiên chỉ có học thuyết nào mang tính cách mạng và khoa học mới có thể biến những nguyện vọng, ước mơ chân chính thành hiện thực.

Từ giữa thế kỷ XIX, chủ nghĩa Mác là ngọn cờ tập hợp hàng triệu trái tim con người vì trước hết chủ nghĩa Mác là lý tưởng mang tính nhân văn cao cả, nó đã vạch ra con đường đi đến xóa bỏ áp bức bóc lột, bất công trên Trái đất, thay thế chế độ tư bản chủ nghĩa bằng chế độ xã hội tốt đẹp hơn theo những quy luật phát triển khách quan của xã hội. Mác đã gọi học thuyết của mình là “Chủ nghĩa nhân văn hiện thực”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh kế thừa những giá trị văn hóa vĩnh cửu của nhân loại, thể hiện được một chủ nghĩa nhân văn cao cả đáp ứng những yêu cầu, nguyện vọng cháy bỏng và sâu xa của dân tộc và nhân loại. Và cả cuộc đời hoạt động của Người là một tấm gương, một biểu hiện tiêu biểu nhất cho chủ nghĩa nhân đạo cộng sản.

Hát múa mừng Đảng, mừng đất nước đổi mới của các diễn viên Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Ảnh: Minh Trường

Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh trước hết biểu hiện ở tấm lòng thương yêu con người, thương yêu nhân dân hết sức bao la, sâu sắc. Người đã khái quát và triết lý cuộc sống: “Nghĩ cho cùng mọi vấn đề là ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị đau khổ, áp bức” với một nội dung mới, sâu sắc, toàn diện. Trước hết đó không phải là lòng thương hại của “bề trên” nhìn xuống, cũng không phải là sự động lòng trắc ẩn của người “đứng ngoài” trông vào mà là sự đồng cảm của những người cùng cảnh ngộ. Là một người dân mất nước, Người đã nhận thức sâu sắc sự thống trị tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc thực dân, khát vọng cháy bỏng được giải phóng của dân tộc bị áp bức. Người đã từng trải qua và chứng kiến bao nhiêu cảnh đau thương, ngang trái, bất công.

Hồ Chí Minh đã thể hiện sự kết hợp lòng nhân ái vốn có trong truyền thống văn hóa Việt Nam với tư tưởng nhân nghĩa, nhân văn phương Đông, với tư tưởng “bác ái” giải phóng con người khỏi thần quyền và quân quyền của chủ nghĩa nhân văn phương Tây, đặc biệt là chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, để hình thành ở Người tư tưởng nhân văn cao cả, sâu sắc và hiện thực. Người viết “Chữ Người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước, rộng nữa là cả loài người. Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất những người khác thì phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Phải thực hành chữ “Bác ái”. “Lòng thương yêu của tôi với nhân dân và nhân loại không bao giờ thay đổi”. Trong Di chúc, Người viết: Đầu tiên là vấn đề con người và “cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”. Một nội dung rất quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về con người là phải chăm lo, sử dụng, phát động sức mạnh của con người, của nhân dân.

Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn khoa học, hiện thực, cách mạng, giải phóng con người, xây dựng một xã hội không còn áp bức, bóc lột, bất công, một xã hội giàu mạnh, công bằng, văn minh, với những con người mới có phẩm chất cao đẹp, có trình độ phát triển toàn diện. Người chỉ rõ “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. “Con người xã hội chủ nghĩa là con người phát triển toàn diện, hoàn toàn đi đến không có chủ nghĩa cá nhân”. Người còn nói: “Người ta ai cũng có tính tốt và tính xấu. Mỗi con người đều có thiện và ác trong lòng. Tuy nhiên “thiện” và “ác” không phải tự nhiên mà có mà “phần lớn do giáo dục mà nên”. Vì vậy, thái độ của người cách mạng là “phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi”. Nếu mỗi người đều tốt thì thành làng tốt, nước mạnh. Người là gốc của làng, của nước. Nếu mọi người đều cố gắng làm tốt làm đúng đời sống mới thì nhất định dân tộc sẽ phú cường”.

Bác Hồ của chúng ta là một mẫu mực tuyệt đẹp về sự kết hợp giữa tư tưởng và đạo đức. Bác khẳng định “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ đó. Người hết sức coi trọng việc tuyên truyền lý luận cách mạng đồng thời Người đặt lên hàng đầu việc giáo dục đạo đức cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân. Người yêu cầu nêu cao đạo đức cách mạng phải gắn liền với chống chủ nghĩa cá nhân. Bác là bậc hiền triết Phương Đông, nhà thực hành đạo đức nổi tiếng nhất trong số những người nổi tiếng. Bác đề cao biện pháp tu thân, tự tu dưỡng, tự rèn luyện. Bác hết sức coi trọng việc giáo dục nêu gương, một phương pháp giáo dục thâm thúy mà cụ thể, thanh khiết mà gần gũi, sâu sắc mà hiệu quả nhất. Nhật ký trong tù của Bác là một tác phẩm tiêu biểu, kết tinh, tỏa sáng nhân cách cao đẹp, đạo đức sáng ngời của Bác. Đó là “nhân, nghĩa, trí, dũng” của người cách mạng hết lòng vì Tổ quốc, vì nhân dân. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được triển khai sâu rộng, nghiêm túc. Đó không chỉ là một cuộc vận động đạo đức, mà thực chất là một cuộc vận động chính trị vô cùng quan trọng không những liên quan đến nhân cách, phẩm giá của từng con người, mà còn có ý nghĩa to lớn đến sự lành mạnh xã hội và tồn vong của dân tộc. Tình cảm là ở đó mà sức mạnh cũng là ở đó. Điều tôi muốn nói ở đây, hôm nay là học tập đã khó, mà làm theo càng khó hơn. Mà làm theo mới là cái quyết định. Đó là bước chuyển hóa quan trọng nhất biến nhận thức, tư tưởng thành lối sống cụ thể hằng ngày.

Trong các hoạt động tinh thần, văn học nghệ thuật có sức mạnh chinh phục, cảm hóa con người, nâng đỡ và nuôi dưỡng con người không gì thay thế được. Cuộc sống không ngừng chứng minh rằng, bảo tồn và phát huy nhân cách, hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội là một cuộc đấu tranh gay gắt và dai dẳng chống lại các áp lực phi nhân tính. Đó là cuộc đấu tranh không phân tuyến, hằng ngày hằng giờ diễn ra ngay trong từng con người, từng gia đình, từng cộng đồng mà nội dung cơ bản không bao giờ cũ là sự xung đột giữa cái thật và cái giả, cái tốt và cái xấu, cái đúng và cái sai, cái cao thượng và cái thấp hèn. Văn học nghệ thuật tham gia vào cuộc đấu tranh đó trên cả hai phương diện, vừa khẳng định vừa phản biện, vừa nâng đỡ vừa thanh lọc, vừa khoan dung vừa nghiêm khắc. Nó giúp người ta nhận ra rằng, hoàn thiện là biết mình chưa hoàn thiện. Nó buộc con người thường xuyên phải đối diện với chính mình, lặng lẽ tự soi chiếu, tự đối thoại, tự điều chỉnh. Nó thiết lập tòa án lương tâm trong mỗi một con người, buộc anh phải tự suy xét, tự kiểm nghiệm, tự phán xử; nó truy đuổi đến từng ngõ ngách, làm cho không ai chạy trốn khỏi chính mình. Bằng những hình tượng sống động, bằng xương bằng thịt, văn học nghệ thuật chuyển tải khát vọng thẩm mỹ và tình yêu con người, mang theo lẽ phải và tình thương, mang theo sức sống và hơi ấm đến công chúng. Nó là dòng suối bền bỉ mát lành, là tiếng nói thầm tin cậy làm tăng thêm tố chất tự đề kháng, tự chế ngự, tự vượt, tự thắng cho mỗi một con người. Và như vậy, văn nghệ sĩ chính là người tiếp năng lượng cho đời sống. Những tác phẩm đầy trách nhiệm với xã hội như vậy, mang ánh sáng của chữ Tâm và tài năng nghệ sĩ như vậy sẽ trở thành ký ức, sống lâu bền trong mỗi con người, mặt khác nó tạo thành dư luận xã hội, một thứ luật lệ không thành văn nhưng có khả năng cảnh báo, lên án, cô lập, kiểm soát mọi hành vi vô đạo đức. Dù xã hội có phát triển đến đâu, pháp luật cũng không đủ để điều chỉnh mọi hành vi và các mối quan hệ của con người. Có những hành vi xét về luật pháp thì không vi phạm, nhưng về mặt đạo đức thì rất cần phê phán, lên án. Chẳng hạn như thói vô cảm. Thấy bất công không dám lên tiếng, thấy bất hạnh không muốn sẻ chia. Thấy oan ức không dám bảo vệ; việc nào đụng chạm đến mình thì la lối, lấy oán trả ân, việc của người khác thì lạnh lùng quay mặt. Đó là lối sống thu mình lại, “sống chết mặc bay”, chỉ chăm lo cho chính bản thân mình, một biểu hiện của chủ nghĩa vị kỷ đáng ghét. Truyền thống quý báu của dân tộc ta xưa nay đã lấy lệ làng bổ sung cho phép nước, lấy yêu ghét bổ sung cho đúng sai, lấy tình nghĩa để làm nên mọi sự cố kết. Văn học nghệ thuật không phải là một mớ thuyết giảng đạo đức mà là cả một thế giới thấm đẫm tình người, có khả năng đánh thức, lay động nhân tính, gây nên những xúc động thẩm mỹ, đeo bám, ám ảnh, thôi thúc con người tự hoàn thiện không ngừng. Như vậy, đạo đức, nói rộng ra là văn hóa đã trở thành một sức mạnh mềm, thành một thứ đức trị bổ sung cho pháp trị.

Trong mấy chục năm qua, văn học nghệ thuật nước ta chủ động, tự giác tham gia vào hành trình rộng lớn của dân tộc, khơi dậy truyền thống yêu nước, tình đoàn kết keo sơn, lòng dũng cảm, ý chí bất khuất, “thà hy sinh tất cả quyết không chịu làm nô lệ”, như Bác Hồ đã nói. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu đã trở thành thứ lương thực tinh thần cho nhân dân ta trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và còn nguyên sức sống cho đến ngày hôm nay. Tinh hoa bao giờ cũng hiếm. Với đầy đủ sự khiêm tốn vẫn có thể khẳng định tinh hoa văn học nghệ thuật cách mạng; kháng chiến và trong sự nghiệp Đổi mới của ta không hiếm lắm đâu, thời gian đã và đang xác nhận điều đó. Đạo lý là như vậy. Nếu dân tộc mất độc lập, tự do thì phẩm giá con người bị tước đoạt, nói gì đến dân chủ, tự do, ấm no, hạnh phúc? Cho nên văn học nghệ thuật tham gia giành độc lập, tự do là tham gia vào việc rửa nỗi nhục mất nước, trả lại nhân phẩm cho con người, danh dự cho Tổ quốc. Và ngày nay, văn học nghệ thuật nước ta đang tham gia sự nghiệp to lớn chưa từng có là đưa một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, thành một nước giàu mạnh sánh vai cùng các nước tiên tiến, biến khát vọng muôn đời của nhân dân ta về một đất nước thịnh vượng, mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc thành hiện thực. Như vậy có nhân văn không? Có đạo lý không? Đánh giá nền văn học nghệ thuật cách mạng của chúng ta phải trên tầm nhìn đó, và đặt nó trong bối cảnh lịch sử, cụ thể. Nếu chỉ đơn thuần đứng ở góc nhìn hôm nay để nhận định, phê phán rồi gán ghép tùy tiện thì khó thuyết phục, nếu không muốn nói là thiên kiến, thiếu công bằng.

Văn học nghệ thuật từ sau Đổi mới đến nay có một sự phát triển rất quan trọng. Đó là trở lại sự hài hòa. Trong chiến tranh, do nhiệm vụ, yêu cầu có tính thời đoạn, ta nhấn mạnh mặt này, mặt khác là bình thường và cần thiết. Ngày nay cuộc sống đã thay đổi, văn học nghệ thuật có thể tiếp cận, phản ánh cuộc sống từ trên những bình diện lớn của hiện thực xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đến những vấn đề riêng tư thầm kín ủ sâu trong lòng người. Chúng ta không chủ trương lấy nội dung bù cho nghệ thuật, mà phải là nội dung một trăm phần trăm, nghệ thuật một trăm phần trăm như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói. Nghị quyết của Đảng nhiều lần khẳng định tôn trọng quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và đang tạo ra cơ chế cho quyền tự do sáng tạo ấy. Nhờ có sự định hướng đó, văn học nghệ thuật đã có một mùa gặt mới, trong đó chủ đề về đạo đức xã hội là lĩnh vực thu được nhiều thành tựu nổi bật. Văn học, nghệ thuật đã lên tiếng khá sớm, phê phán, cảnh báo các tệ nạn xã hội, thói hách dịch, cửa quyền, xa dân, tham nhũng, tham lam hám lợi, đặt đồng tiền lên trên hết… Đó là căn bệnh hiểm nghèo “tự diễn biến”, là nguy cơ của mọi nguy cơ.

Xây dựng đất nước là sự xây dựng toàn diện, trong đó xây dựng con người là quan trọng nhất và cũng là khó khăn nhất. Bác Hồ nói “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” chính là nhấn mạnh tầm quan trọng và khó khăn của việc xây dựng con người. Xây dựng con người là xây dựng cả về phẩm chất và năng lực, lẽ sống và cách sống, lý trí và tâm hồn, thể lực và nhân cách, nghị lực và tình cảm, trách nhiệm và tình nghĩa. Đó là lĩnh vực vô cùng công phu và tinh tế, lâu dài và gian khổ. Có thể nói là cả một nghệ thuật. Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa VIII mà chúng ta vừa tổng kết và Nghị quyết 33 của Trung ương Khóa XI vừa mới ban hành “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đều đặt vấn đề xây dựng con người ở tầm chiến lược, là trung tâm của mọi trung tâm. Cách mạng, nói cho cùng là từ con người để trở về con người. Chúng ta nói tôn vinh con người không phải theo quan điểm tư sản tôn vinh con người cá nhân cực đoan mà là tôn vinh Con Người viết hoa, theo nghĩa đúng đắn nhất.

Vì con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội nên nó luôn luôn phát huy tính năng động chủ quan để tác động đến mọi lĩnh vực, nhưng đồng thời nó cũng chịu tác động, thậm chí áp lực từ nhiều lĩnh vực khác. Công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập, giữ vững chủ quyền quốc gia… tất cả là môi trường, là điều kiện để chúng ta xây dựng con người hôm nay. Đó là con người mới trong hiện thực, với biết bao nhiêu thuận lợi kèm theo bao nhiêu níu kéo, “Bước ba bước lại lùi một bước” như câu thơ của Cao Bá Quát. Khó khăn là như vậy. Hiện nay xã hội đang lo âu và lên tiếng mạnh mẽ về tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, về lòng tin và nhân cách với biết bao nhiêu câu chuyện đau lòng, nhức nhối đang là cản trở lớn, thách thức lớn đến sự phát triển xã hội. Xây dựng con người, xây dựng văn hóa bao gồm cả xây và chống, là sự nghiệp của toàn Đảng toàn dân, nhưng vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức, trong đó có đội ngũ văn học nghệ thuật giữ vai trò quan trọng. Vì văn học nghệ thuật có lợi thế là lĩnh vực của tình cảm nên dễ thấm sâu vào lòng người. Đi vào lòng người là diệu kế như Nguyễn Trãi đã nói. Một khi lẽ phải và tình thương thấm sâu vào lòng người thì nó vừa có khả năng tăng tố chất đề kháng, vừa có khả năng chuyển hóa thành đạo đức nhân cách, lối sống. Đạo đức có rất nhiều loại, đạo đức cách mạng, đạo đức công dân, đạo đức cán bộ, đạo đức nghề nghiệp. Nhưng trước hết là đạo đức làm người. Phải làm một con người tử tế trước đã, phải sắm vai đó trước đã, sắm tốt, mới có thể sắm các vai khác. Quy luật là như thế. Đòi hỏi là như thế. Vì nó là cái gốc. Cái gốc là đạo đức làm người. Phải vun từ gốc và chống từ gốc. Tham gia vào câu chuyện này có rất nhiều yếu tố, gia đình, nhà trường, bạn bè, xã hội, trong đó tất nhiên có vai trò to lớn của văn học nghệ thuật. Để văn học nghệ thuật làm được chức năng cao quý của nó với con người với xã hội, trách nhiệm của văn nghệ sĩ rất nặng nề. Văn học nghệ thuật là lĩnh vực của tài năng, nhưng để nuôi dưỡng tài năng phát triển, phải đi vào đời sống. Đi vào đời sống để hiểu đời và hiểu người. Đi vào đời sống để cho khát vọng sáng tạo của người nghệ sĩ hòa nhịp với những nguyện vọng sâu xa cháy bỏng của nhân dân. Đi vào đời sống để nâng mình lên cho ngang tầm với những gì mà Tổ quốc, sự nghiệp và con người đang đòi hỏi.

Quy luật tiếp nhận các giá trị văn học nghệ thuật là không thể ra mệnh lệnh. Những gì được cấp giấy thông hành vào trái tim con người là phải hay, phải qua một quá trình sáng tạo công phu và sàng lọc càng công phu hơn nữa. Chúng ta biết rõ điều đó. Và chúng ta cũng biết rằng, cái hay luôn luôn là cái có ích, có khả năng trả lời những câu hỏi bức thiết của đời sống: Làm gì và làm như thế nào để góp phần làm trong lành bầu khí quyển đạo đức xã hội hiện nay? Tôi hoàn toàn tin tưởng đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo, giàu tâm huyết, giàu tài năng của chúng ta hoàn toàn có thể đem đến câu trả lời thuyết phục nhất.

Nguồn QĐND