Tháng 3 thướt tha áo dài

Chính quyền TP HCM khuyến khích, vận động người dân mặc áo dài trong suốt tháng 3. Một lễ hội áo dài hoành tráng cũng sẽ diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội

Với kỳ vọng trang phục áo dài sẽ trở thành sự kiện văn hóa du lịch thường niên độc đáo, góp phần làm đa dạng hơn các sản phẩm du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với thành phố, chính quyền TP HCM khuyến khích, vận động toàn dân mặc áo dài nơi công sở, trong các sinh hoạt đời thường, dự tiệc, dạo phố… trong suốt tháng 3.

Thu hút công chúng bằng lễ hội

Lễ hội Áo dài lần 3-2016 do Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM tổ chức với chủ đề “TP HCM – TP áo dài” sẽ diễn ra từ ngày 5 đến hết 20-3 tại nhiều địa điểm bằng các hoạt động đa dạng nhằm thu hút sự chú ý của công chúng và làm nổi bật giá trị văn hóa, thẩm mỹ của chiếc áo dài, như chương trình nghệ thuật “Áo dài – Vẻ đẹp bất tận” (diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh niên vào ngày 8-3); hội chợ áo dài với các hoạt động triển lãm, trao đổi và mua bán cũng diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh niên (từ 18 đến 20-3); triển lãm ảnh “Áo dài qua từng thời kỳ” tại các địa điểm: Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Công viên Chi Lăng (từ ngày 5 đến 31-3)… Nổi bật nhất sẽ là chương trình “Thành phố áo dài – Thành phố tôi yêu”, diễn ra vào các ngày chủ nhật (6, 13 và 20-3). Theo đó, sinh viên thành phố sẽ mặc áo dài, đi xe đạp từ Nhà Văn hóa Sinh viên đến các di tích văn hóa, lịch sử…

Ngành du lịch TP HCM hy vọng trang phục áo dài sẽ trở thành sự kiện văn hóa du lịch thường niên độc đáo Ảnh: TẤN THẠNH
Ngành du lịch TP HCM hy vọng trang phục áo dài sẽ trở thành sự kiện văn hóa du lịch thường niên độc đáo Ảnh: TẤN THẠNH

Thời gian này, nhiều hội thi diễn ra: “Duyên dáng áo dài”; vẽ áo dài trên giấy dành cho học sinh THPT và THCS trên địa bàn TP HCM; thiết kế áo dài dành cho sinh viên các trường đại học; thiết kế áo dài và biểu diễn áo dài hoa cho các nhà tạo mẫu hoa Việt Nam và quốc tế…

Lấy ý tưởng từ những loài hoa, Lễ hội Áo dài 2016 sẽ diễn ra vào ngày 4-3 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) là câu chuyện kể về lịch sử tà áo dài Việt Nam với 19 nhà thiết kế đến từ Hà Nội, Huế,

TP HCM, trong đó có nhiều gương mặt nổi bật của làng thời trang Việt: nhà thiết kế Cao Minh Tiến, Lan Hương, Việt Hà, Minh Hạnh… Họ sẽ giới thiệu những mẫu áo dài đặc biệt của mình đến công chúng. Không chỉ vậy, sự kiện còn thu hút bởi những khách mời trình diễn trong đêm hội là các nghệ sĩ nổi tiếng của làng điện ảnh Việt Nam nhiều thế hệ, như NSND Trà Giang, NSND Như Quỳnh, NSND Ngọc Lan, NSƯT Thanh Loan… Đặc biệt, Đại sứ Ý tại Việt Nam – bà Cecilia Piccioni, phu nhân Đại sứ Anh, phu nhân Đại sứ Haiti cũng tham gia chương trình trong vai trò người mẫu. So với những năm trước, Lễ hội Áo dài 2016 được mở rộng hơn cả về quy mô lẫn ý tưởng thiết kế. Ngoài những mẫu thiết kế trẻ trung, hiện đại cũng sẽ có những mẫu áo dài dành cho phụ nữ lớn tuổi, đàn ông, thiếu nhi và đặc biệt có cả áo dài dành cho người khuyết tật.

Không khó để thành công

Được biết, Công đoàn ngành Giáo dục TP HCM đã đề nghị Công đoàn Giáo dục các cấp tuyên truyền, vận động đội ngũ nữ nhà giáo và người lao động trong ngành mặc trang phục áo dài thường xuyên khi đến cơ quan, trường học trong suốt tháng 3. Với giới chuyên môn của làng thời trang, đặc biệt những nhà thiết kế yêu áo dài như Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, áo dài đã có sức hấp dẫn đặc biệt nên mọi người sẽ mặc với khái niệm đẹp và đầy tự hào. “Việc mặc áo dài là sự tự nguyện và là ý thích của từng người. Vậy nên, dù các hoạt động có nổi bật đến mấy nhưng ý thức của mọi người với áo dài không có thì việc vận động mặc áo dài chỉ trong một ngày cũng khó chứ đừng nói một tháng” – nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ.

Theo ý kiến của nhà thiết kế Minh Hạnh, để xây dựng ý thích cho mọi người mặc áo dài, cách hiệu quả nhất là phải tổ chức một số sự kiện nhất định nhằm tạo thành trào lưu. Lễ hội áo dài được tổ chức ở Hà Nội và TP HCM đang được thúc đẩy cũng là để tạo hiệu ứng rộng rãi đến công chúng, trở thành trào lưu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng rào cản lớn nhất để mọi người hưởng ứng phong trào là sự phiền toái khi mặc áo dài đội mũ bảo hiểm đi xe máy đến và rời công sở mỗi ngày. Nhịp sống năng động khiến người mặc áo dài thấy vướng víu, gò bó vì phải di chuyển nhiều.

“Công việc tiếp theo về mặt kỹ thuật dành cho các nhà thiết kế thời trang là phải tạo ra những mẫu áo dài thoải mái, tự do cho người mặc” – theo nhà thiết kế Sĩ Hoàng. Giới thời trang cho rằng trong cuộc sống năng động hiện nay, không chỉ những mẫu áo dài tôn dáng người mặc mới được xem là đẹp. Những mẫu thiết kế áo dài biến tấu ở tà, ở eo, cổ áo hay độ dài áo… vẫn được đánh giá là đẹp vì phù hợp với thời tiết, môi trường và cả yếu tố thời đại. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra về mặt kỹ thuật là “áo dài chỉ cần có những sửa đổi thiết kế, chất liệu phù hợp với thời tiết là được. Phương pháp này cũng được các nhà thiết kế ở Nhật, Hàn Quốc áp dụng theo mùa cho trang phục truyền thống vốn rất phức tạp của họ là kimono hay hanbok. Hơn nữa, những đòi hỏi của người mặc áo dài cũng không quá khắt khe như trước” – nhà thiết kế Thuận Việt nhận định.

Người nổi tiếng làm đại sứ

Hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên và Hoa khôi Áo dài Việt Nam Lan Khuê làm đại sứ Lễ hội Áo dài TP HCM lần 3-2016 bắt đầu từ ngày 5 đến hết 20-3. Việc chọn các người đẹp, ngôi sao giải trí làm đại sứ áo dài để thu hút sự chú ý và lôi kéo công chúng tham gia phong trào là cách làm cần được nhân rộng. Tuy vậy, nhà thiết kế Minh Hạnh vẫn có những băn khoăn vì không ít lần nhìn thấy vài người nổi tiếng biến chiếc áo dài thành thảm họa theo cách “sáng tạo” kinh khủng của họ. Vậy nên, chọn ngôi sao nào làm đại sứ áo dài cũng là vấn đề cần cân nhắc.

 

Nguồn Báo Người lao động Online