Vẫn nóng chuyện bản quyền

Vi phạm bản quyền âm nhạc không phải là chuyện mới nhưng chưa bao giờ hết nóng, nhất là khi nhiều người khai thác các kênh mạng xã hội để kiếm tiền bên cạnh biểu diễn trên sân khấu.

Liên tục vi phạm

Ca khúc Hoa nở không màu, Buồn làm chi em ơi do ca sĩ Hoài Lâm hát, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường sáng tác ra mắt từ tháng 6 đến nay đã có hàng loạt bản cover. Tuy nhiên, càng nhiều người cover, vấn đề bản quyền ca khúc càng được đặt ra khi xuất hiện nhiều sản phẩm đăng tải lên YouTube để kiếm tiền, thậm chí trình diễn lại “quên xin phép” nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường, chủ sở hữu ca khúc. Trong mấy tuần qua, nam nhạc sĩ phải liên tục đăng đàn công khai trên Facebook cá nhân để bảo vệ bản quyền ca khúc.

Vẫn nóng chuyện bản quyền ảnh 1
Ca khúc Hoa nở không màu do nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường sáng tác thời gian qua bị vi phạm bản quyền liên tục
Cụ thể, mới đây trên kênh YouTube Đur Siu Official 81 cover Hoa nở không màu nhưng phần mô tả không ghi rõ sáng tác của ai, nguồn gốc tác phẩm ra sao. Clip này bật chế độ “kiếm tiền” khi chưa có tác quyền ca khúc. Sau khi bị cha đẻ ca khúc lên tiếng và thông báo quyết định sẽ gắn cờ bản quyền kênh YouTube vi phạm trái phép, bản cover đã tự “bốc hơi” và chủ kênh phải liên lạc xin lỗi nhạc sĩ.

Bên cạnh đó, trong một tập phim của phim Xin chào hạnh phúc mới đây đã sử dụng bài hát trên để lồng nhạc nhưng cũng… quên xin phép. Khi nhạc sĩ phản ứng, sau 1 ngày, đại diện nhà sản xuất phim thay mặt ê kíp gửi lời xin lỗi đến nhạc sĩ.

Cũng có trường hợp một số người khá “thành ý” xin phép được cover ca khúc trước những động thái bảo vệ bản quyền của nam nhạc sĩ, tuy nhiên khi nghe đề cập vấn đề bản quyền, tác quyền, họ bất hợp tác.

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cho biết, anh gặp chuyện vi phạm bản quyền ca khúc rất nhiều lần. Thông thường anh sẽ gửi email hoặc tin nhắn cảnh báo rằng cá nhân/đơn vị đang vi phạm bản quyền âm nhạc thuộc quyền sở hữu của mình và yêu cầu trong 7 ngày phải liên hệ để giải trình. Nếu đối phương không hợp tác, nhạc sĩ sẽ nêu việc vi phạm và nhờ pháp luật can thiệp.

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường nói: “Hầu như khi xảy ra vi phạm bản quyền, các bên đều âm thầm giải quyết với nhau, tìm ra giải pháp tốt nhất cho đôi bên, dẫn đến việc có quá ít công chúng biết được những vấn đề xoay quanh vi phạm bản quyền”.

Bao giờ xử được?

Cách đây hơn 10 ngày, vụ kiện “tranh chấp bản quyền” liên quan bài thơ, bài hát Gánh mẹ được TAND TPHCM mở phiên xét xử sau thời gian dài “chưa xử được”. Nguyên đơn là ông Trương Minh Nhật (nhà thơ), bị đơn là ông Đoàn Đông Đức (nhạc sĩ Quách Beem) và Công ty TNHH Lý Hải Production (công ty của ca sĩ Lý Hải). Tuy nhiên, tại phiên tòa, ông Quách Beem không đến, đại diện công ty Lý Hải cũng vắng mặt.

Trước đó, công ty Lý Hải có đơn xin hoãn xét xử và đơn khiếu nại gửi đến TAND TPHCM cùng một số cơ quan liên quan về vụ kiện “tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ”. Phía công ty ca sĩ này cho rằng, việc tòa án xác định họ là bị đơn là không đúng đối tượng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Tòa án đã hoãn phiên xử, thông báo mở lại vào 3-9. Tuy nhiên, việc các bên liên quan vắng mặt nhiều lần khiến vụ xử càng kéo dài, không biết bao giờ mới xử xong…

Mới đây, Công ty CP VNG cũng đâm đơn kiện TikTok vì ứng dụng chia sẻ video ngắn nổi tiếng của Trung Quốc sử dụng nhiều bản nhạc thuộc sở hữu của Zing (một công ty con thuộc VNG) khi không có sự đồng ý của công ty này.

Theo một báo cáo của Zing, có khoảng 150 bản ghi âm Zing giữ quyền sở hữu, khai thác được sử dụng trong hơn 11 triệu video trên ứng dụng và website của TikTok. Đơn kiện VNG nộp lên TAND TPHCM yêu cầu TikTok xóa tất cả đoạn nhạc lấy từ Zing khỏi ứng dụng và trang web TikTok, đồng thời bồi thường thiệt hại hơn 221 tỷ đồng.

Nói về các vụ vi phạm bản quyền âm nhạc, chưa xử được hoặc có khả năng kéo dài, luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam, cho rằng, một phần thực tế là do tâm lý e ngại khởi kiện ra tòa án của các tổ chức, cá nhân khi bị xâm phạm quyền tác giả và sự hiểu biết hạn chế về kiến thức pháp luật sở hữu trí tuệ của không ít người là nguyên nhân làm cho tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra ngày càng nhiều.

“Trong thời gian tới, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cần phải giải quyết triệt để hơn nữa tình trạng vi phạm bản quyền bằng việc áp dụng các quyền tự bảo vệ được pháp luật cho phép, trong đó có quyền khởi kiện tại tòa án”, vị luật sư nói.

Nguồn SGGP