Vào mùa dịch sốt xuất huyết

Mùa mưa đang đến tại TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ, cũng là thời điểm dễ bùng phát dịch sốt xuất huyết (SXH) – một dịch bệnh có số ca mắc cao hàng năm nhưng vẫn chưa có vaccine phòng ngừa. Hôm qua, 15-6, Bộ Y tế đã phát động “Hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” tại TPHCM.

Đến hẹn lại… bùng phát!

Từ đầu tháng 6 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 liên tục tiếp nhận nhiều ca mắc SXH từ các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp và cả TPHCM. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện, cho biết bình quân mỗi ngày khám và điều trị gần 10 trẻ mắc SXH, có hôm gần 20 trẻ, chủ yếu dưới 5 tuổi. Trong khi các tháng trước số ca mắc nhập viện ít hơn. Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Khoa Nhi A Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cũng có số ca mắc SXH nhập viện gia tăng trong những ngày qua…

Theo Sở Y tế TPHCM, chỉ trong một tuần 23 (từ ngày 29-5 đến ngày 4-6), toàn thành phố có 97 trường hợp nhập viện được báo cáo, cao hơn 21 ca so với tuần 23 của năm 2014. Xét về diễn tiến, số trường hợp SXH nhập viện trong 4 tuần qua (từ tuần 20 đến tuần 23) tương đương với cùng kỳ năm 2014. Tính đến hết tuần thứ 23, số ca SXH nhập viện toàn thành phố là 4.633 ca. Điều đáng nói, đã có 2 ca tử vong do mắc SXH tính từ đầu năm đến nay. Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, số ca mắc SXH nhập viện đã tăng 27% so với cùng kỳ 2014. “Sở dĩ có sự gia tăng là do đuôi dịch từ năm 2014 kéo dài sang”, ông Hưng lý giải.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hàng năm bình quân cả nước có tới 100.000 ca mắc SXH. Từ đầu năm tới nay, Việt Nam ghi nhận hơn 20.000 ca mắc SXH và dự tính số người nhiễm bệnh dịch này sẽ còn tăng mạnh vào mùa mưa. PGS-TS Trần Đắc Phu cũng cho biết, số ca mắc SXH từ đầu năm tới nay tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai… “Dịch sốt xuất huyết sẽ diễn biến rất phức tạp, đe dọa bùng phát dịch lớn tại nhiều địa phương nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời”, ông Trần Đắc Phu cảnh báo.

Điều trị trẻ mắc SXH tại BV Nhi đồng 1 TPHCM.

Bất cập phòng chống

Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, dịch SXH là căn bệnh của thế kỷ 21. Bệnh đang lưu hành trên 128 quốc gia với 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ. Mỗi năm, toàn thế giới có hơn 300 triệu người bị SXH, đặc biệt 75% gánh nặng bệnh rơi vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, đến nay chưa có vaccine phòng ngừa và công tác phòng chống cũng đang khá… thủ công. Tại cuộc trao đổi thông tin nhân “Hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết”, nhiều đại biểu cho rằng công tác phòng chống dịch SXH vẫn còn nhiều bất cập cả về phương pháp lẫn kinh phí.

Theo PGS Trần Đắc Phu, dù ngành y tế đã nỗ lực tuyên truyền với hy vọng người dân ý thức được sự nguy hiểm của SXH để cùng hành động phòng chống dịch, song trên thực tế một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng vẫn “chưa thông”. Nhiều gia đình tỏ rõ thái độ bất hợp tác khi không cho nhân viên y tế thực hiện công tác phun thuốc diệt muỗi trong nhà mình; chính hiểu biết về bệnh hạn chế nên ý thức phòng chống cũng rất thấp. Không chỉ có người dân mà ngay cả chính quyền địa phương và y tế cơ sở cũng thiếu kiến thức về phòng SXH. Dẫn chứng cho việc này, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay: “Nhiều nơi, cán bộ y tế tuyến xã chỉ đạo chống dịch rất rốt ráo nhưng ngay tại UBND xã cũng có chỗ đầy lăng quăng. Còn những đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM thì biệt thự cũng đầy lăng quăng trong bể nuôi cá, hòn non bộ… Trong khi đó ngân sách dự án cho phòng chống SXH đã bị cắt giảm từ các năm qua, chính quyền các địa phương cũng không mấy quan tâm… chi viện! Mặt khác, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng khiến cán bộ làm y tế dự phòng chưa mặn mà, nhiệt tình.

Theo GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, SXH là bệnh có tốc độ truyền nhiễm gia tăng nhanh trên thế giới. Trong những năm qua, SXH tại nước ta đã giảm đáng kể so với giai đoạn cuối của thế kỷ trước, nhưng bệnh vẫn còn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. SXH hiện vẫn chưa có vaccine dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu nên nguy cơ tử vong của người bệnh là rất cao, Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kêu gọi toàn xã hội, mọi nhà, mọi người hãy chung tay, đồng hành cùng ngành y tế trong nhiệm vụ phòng chống SXH, mỗi tuần hãy dành ra 10 phút để tìm và diệt muỗi truyền bệnh SXH.

Nguồn SGGP