Vào vụ hè thu: Lò sấy, sân phơi “mọc như nấm”!
Khoảng 2 tuần nữa lúa hè thu chính vụ 2012 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang mới bắt đầu cho thu hoạch. Tuy nhiên, các sân phơi, lò sấy trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã hoạt động hết công suất trong nhiều ngày qua. Nguyên nhân là do các tỉnh ĐBSCL thu hoạch rộ lúa hè thu và chính sách thu mua tạm trữ 500.000 tấn lúa quy gạo theo chủ trương của Chính phủ (thời gian mua tạm trữ từ ngày 10-7 đến 10-8).
Trải dài theo tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp, tỉnh lộ 865, các sân phơi, lò sấy đều hoạt động rộn ràng khoảng 10 ngày qua. Dưới kinh, ghe lúa đậu san sát, trên bờ xe tải tấp nập nhận hàng.
3 lò sấy lúa trung bình 30 tấn/mẻ của ông Trần Văn Tám, ấp 6A (Phú Cường, Cai Lậy) nhiều ngày qua phải hoạt động 24/24. Ông Tám cho biết, chưa có năm nào như năm nay, số lượng lúa “đổ” về rất nhiều. Khoảng tuần nay, nhiều thương lái “alô” đặt lò nhưng phải lắc đầu do đã hết công suất 100 tấn lúa/ngày đêm. Không tìm được các lò khác, họ cũng đành ở lại đây chờ đến lượt mình.
Tương tự, lò sấy lúa 40 tấn/mẻ của ông Đinh Văn Hón, ấp 1 (Hậu Mỹ Bắc A, Cái Bè) cũng hoạt động xuyên suốt. Mặc dù, lò sấy của ông không ở vị trí thuận tiện bằng những lò sấy khác nhưng nhiều thương lái cũng tìm đến. Ông Hón nói: “Vợ và các con tui cũng đi mua lúa tươi về sấy tại đây. Thương lái chờ đến lượt nhiều quá nên lúa nhà mình cũng phải sắp tài chứ”.
Theo các chủ lò sấy, giá sấy lúa trên địa bàn Tiền Giang khoảng 120-150 ngàn đồng/tấn (tùy mức độ ướt). Giá này cao hơn những năm trước nhưng thương lái vẫn thích chọn sấy hơn phơi. Nhiều chủ lò sấy nhận định: Lượng lúa về nhiều là do người dân ngày càng ưa chuộng bán lúa tươi ngay tại ruộng, mưa dầm nhiều ngày qua và chính sách thu mua tạm trữ của nhà nước.
Theo Báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh, Tiền Giang có khoảng 500 lò sấy nhỏ và lớn; 60% sản lượng lúa của tỉnh áp dụng hình thức sấy. Trong đó, máy sấy nông hộ khoảng 400 cái (khoảng 30% sản lượng) và các lò sấy của nhiều nhà máy xay xát lúa gạo (khoảng 30% sản lượng). Đặc biệt, Công ty Lương thực Tiền Giang vừa trình làng hệ thống sấy lúa công nghiệp năng suất từ 200-300 tấn/ngày tại Trung tâm Nông sản Phú Cường (Phú Cường, Cai Lậy).
Hệ thống máy sấy công nghiệp của Công ty Lương thực Tiền Giang. Ảnh: L.T.K |
Không những lò sấy hoạt động hết công suất mà các sân phơi lúa thuê cũng vậy. Chủ sân phơi lúa thuê 70 tấn/lần phơi Trương Văn Lợi, ấp 5A (Phú Cường, Cai Lậy) cho biết, các sân phơi lúa thuê cũng phải hoạt động quá tải. Nhiều ngày qua, ông từ chối nhận phơi thuê cho nhiều thương lái. Mặc dù thời gian gần đây sân phơi “mọc lên như nấm” nhưng cũng không đáp ứng nổi nhu cầu.
Chủ các sân phơi phải chạy vạy khắp nơi để tìm nhân công bốc vác, phơi, xúc… vì “lính” ruột thường uể oải khi tình trạng quá tải kéo dài. “Lúc này, muốn có sân phơi phải “alô” trước một tuần mới có sân phơi lúa sau khi đã thu mua được của người dân. Nếu không điện thoại đặt hàng trước, mua lúa xong chẳng có chỗ nào để mà phơi đâu” - ông Lợi nói.
Khoảng tuần qua, sân phơi của bà Lê Thị Kim Yến, ấp 1 (Hậu Mỹ Bắc A, Cái Bè) cũng không ngơi nghỉ. Bà Yến cho biết: “Sau khi nghe thông tin Chính phủ quyết định mua tạm trữ lúa gạo thì lượng lúa “đổ” về đông nghẹt. Mấy ngày nay, tôi phải tìm thêm nhân công bốc vác, phơi tiếp để đáp ứng trước nhu cầu này”.
Dịch vụ sân phơi của tư nhân. |
Tình trạng quá tải tại các lò sấy, sân phơi là tín hiệu đáng mừng cho người nông dân. Bởi nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, theo phản ánh của các thương lái và bà con nông dân thì giá lúa gạo chỉ nhích lên chút ít, khiến họ không có lãi trong sản xuất và thu mua.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.