Vay mua nhà lãi suất 6%/năm

Lần đầu tiên người dân sẽ được hỗ trợ vay vốn mua nhà với lãi suất 6%/năm, nhưng chỉ dành cho một số đối tượng nhất định.

Ai được hỗ trợ?

Theo dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kể từ 15.4 sẽ có 2 đối tượng được vay tiền mua nhà với lãi suất thấp. Thứ nhất, người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Cũng đối tượng trên nhưng nếu mua nhà thương mại bắt buộc phải có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Thứ hai, các doanh nghiệp (DN) là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội. Còn nếu DN là chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại phải chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội.

 Chung cư cho người thu nhập thấp - nd
Chung cư cho người thu nhập thấp – Ảnh: Ngọc Thắng

Để có thể tiếp cận được với lãi suất trên, dự thảo cũng quy định rõ một số điều kiện. Trước hết, đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đối tượng có thu nhập thấp phải có hợp đồng thuê, thuê mua nhà ở xã hội phù hợp với quy định của pháp luật; phải có đề nghị vay vốn để mua một căn nhà duy nhất để ở và cam kết chưa được vay vốn hỗ trợ lãi suất để mua, thuê, thuê mua nhà ở tại các NH khác.

Tương tự, nếu mua nhà thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 phải có hợp đồng mua, thuê nhà ở thương mại phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó ghi rõ diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Thứ hai, có đề nghị vay để mua hoặc thuê một căn nhà duy nhất để ở và cam kết chưa được vay vốn hỗ trợ lãi suất từ các NH khác.

Ngoài ra, người mua cần có đủ vốn tối thiểu tham gia vào phương án vay theo quy định của NH tối đa 20% tổng giá trị căn nhà.

6% chỉ kéo dài trong 3 năm

Khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên, khách hàng đến phòng giao dịch, chi nhánh của 5 NH thương mại nhà nước được Chính phủ chỉ định gồm: BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank và Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long để vay vốn, mức lãi suất vay được “chốt” 6%/năm, thời hạn vay trong 10 năm.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Viết Mạnh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng, NHNN (đơn vị chủ trì soạn thảo) lưu ý, 6%/năm chỉ dành cho những ai tiếp cận sớm, vì dự thảo thông tư quy định chỉ hỗ trợ trong vòng 3 năm, tức đến ngày 15.4.2016 kết thúc. Sau thời điểm đó, người mua nhà vẫn được hỗ trợ lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay trên thị trường, nhưng có thể thấp hoặc cũng có thể cao hơn 6%/năm.

Có nhiều căn cứ để NHNN tính toán đưa ra mức lãi vay trên, nhưng theo ông Mạnh, trước hết là dựa vào thu nhập, khả năng thanh toán của người dân. Ông lấy ví dụ: Một gia đình, hai vợ chồng có thu nhập 15 triệu đồng/tháng, thông thường phải để dành 5 triệu trả tiền thuê nhà. Nếu với một căn nhà 800 triệu, lãi suất cho vay thấp nhất 10%/năm đã phải trả 80 triệu đồng/năm, tức 6,6 triệu đồng/tháng, như vậy sẽ không đủ. Còn đưa xuống 6%/năm, 1 tháng chỉ phải trả 4 triệu đồng, đủ trả tiền lãi suất và có dư ra để trả tiền gốc. “Muốn xuống thấp hơn nữa cũng khó, vì đây là nhà mà người dân và nhà nước cùng làm, bản thân người mua cũng phải tự lực, cố gắng”, ông nói.

Hỗ trợ chủ yếu cho người dân hay doanh nghiệp?

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, số tiền 30.000 tỉ đồng tương đương với 1,5 tỉ USD để phục vụ cho chương trình này sẽ hỗ trợ được rất lớn cho thị trường, nhiều người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà. Nhưng cần phải làm rõ đây là vốn ngân sách bỏ ra, hay chỉ là vốn mồi hỗ trợ, thu hút các nguồn lực khác. Về thời hạn hỗ trợ lãi suất 6%/năm kéo dài trong 3 năm, theo TS Liêm đánh giá là quá ngắn so với 10 năm, thậm chí 20 năm của các quốc gia khác trên thế giới. “Người nghèo chỉ vay lãi suất thấp, nhưng phải nhiều năm. Cần phải tính toán lại thời hạn này để người dân vững tin rằng chính sách hỗ trợ sẽ ổn định”, ông nói. 

Ông Nguyễn Viết Mạnh giải thích thêm, về 30.000 tỉ đồng, đây không phải vốn ngân sách mà bằng nguồn tái cấp vốn của NHNN dành cho các NH thương mại, để NH cho vay thương mại có thu hồi vốn. NHNN chỉ hỗ trợ phần lãi suất, thời gian. Các NH cho vay ra 6%/năm, NHNN sẽ cho vay lại 4,5%/năm, còn phần chênh lệch 1,5%/năm bù vào chi phí.

Về đối tượng được vay, Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, ông Nguyễn Văn Đực cho rằng, nên tập trung hỗ trợ cho người dân hơn là các DN. Cho DN vay dễ xảy ra tình trạng quan hệ, xin cho, nhóm lợi ích với nhau, lại tập trung một số DN lớn có quan hệ tốt, thế lực mạnh. Tốt nhất cho người dân vay, cho người dân vay trực tiếp cũng là gián tiếp cho DN vay.

Thế nhưng, theo lãnh đạo Vụ Tín dụng, cần tập trung vào cả 2 đối tượng, bởi nếu tập trung hết vào người dân, không có DN làm sẽ không có nhà để bán. Hiện tại nhà ở xã hội rất ít, trong khi quá trình chuyển đổi từ nhà thương mại không dễ dàng, cần thời gian. Ngoài ra, DN được vay đã được Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh lựa chọn thông qua quy trình xét duyệt kỹ lưỡng.