Về miền Tây tham quan ngôi chùa ốp từ chén, dĩa độc đáo
Chùa Sà Lôn (hay còn gọi chùa Chén Kiểu) là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Sóc Trăng.
Mặt chính diện chùa Sà Lôn. |
Chùa Sà Lôn nằm trên quốc lộ 1A, cách thành phố Sóc Trăng 12km, hướng từ thành phố Sóc Trăng đi Bạc Liêu. Nét đặc sắc ở ngôi chùa là sử dụng những chén, đĩa sứ ốp lên tường trang trí nên có tên gọi là chùa Chén Kiểu. Chùa được ốp từ hàng ngàn mảnh bát, đĩa sứ tạo nên vẻ đẹp riêng rất ấn tượng.
Dù đã từng có dịp đến thăm và tham quan kiến trúc của nhiều ngôi chùa trên đất nước Việt Nam, nhưng khi đặt chân đến Sóc Trăng, chắc hẳn bất kì du khách nào cũng phải ngỡ ngàng bởi kiến trúc và cách xây dựng vô cùng độc đáo của chùa Sà Lôn.
Ấn tượng đầu tiên khi đến đây là cổng chùa với 3 ngôi tháp được chạm khắc, đắp nổi với hoa văn và sắc màu rực rỡ mang đậm màu sắc văn hóa Khmer Nam Bộ. Kỹ thuật ốp sứ độc đáo đã tạo nên vẻ đẹp riêng rất ấn tượng của ngôi chùa. Đặc biệt, chùa Sà Lôn còn lưu giữ một bộ trường kỷ cẩn xà cừ và hai chiếc giường bằng gỗ quý hiếm được chạm, khảm rất tinh tế, nhà chùa mua lại trong phần gia sản của công tử Bạc Liêu năm 1947. Trong chùa Chén Kiểu còn có bộ bàn của Công tử Bạc Liêu.
Chiếc giường bằng gỗ quý hiếm được chạm, khảm tinh tế, nhà chùa mua lại trong phần gia sản của công tử Bạc Liêu năm 1947. |
Bước vào gian thờ chính điện, sẽ thấy quần thể gồm 20 tượng phật lớn, nhỏ đứng ngồi nhiều tư thế khác nhau. Tất cả được bố trí hợp lý, không gian tôn nghiêm luôn thơm mùi nhang khói. Trung tâm của chùa là ngôi chính điện bề thế với các bờ tường, cột, khung cửa… được ghép mảnh gốm sứ lộng lẫy. Chính điện chùa rộng rãi, thông thoáng với 16 hàng cột to, quanh các cây cột đều được chạm khắc, đắp nổi các hình ảnh trong truyền thuyết văn hóa của người Khmer. Hai bên bức tường có nhiều tranh vẽ kể câu chuyện đức Phật Thích Ca từ lúc sinh ra cho đến khi đắc đạo.
Cũng như các ngôi chùa khác của người Khmer, chùa Chén Kiểu bao gồm chánh điện, nhà hội và tháp bảo, nơi để sách kinh dạy học. Đây là ngôi chùa có thiết kế khá đặc biệt khi được ốp bằng những mảnh vỡ của chén, dĩa kiểu tạo nên những bức tranh đa sắc, sinh động. Được biết, vào thời đó, do khan hiếm gạch men để trang trí nên các vị sư đã vận động nhân dân thu gom các mảnh chén, đĩa kiểu để ốp lên tường.
Mặt sau chính điện là một mảng tường đắp nổi bởi nhiều chén, dĩa kiểu trông rất đẹp mắt và sắc sảo.Bằng tài nghệ và sự công phu, các nghệ nhân Khmer đã sáng tạo nên một kiến trúc nghệ thuật vô cùng độc đáo. Tham quan một vòng qua hết chính điện bạn sẽ thấy được tài nghệ của những nghệ nhân Khmer trong việc xây dựng ngôi chùa này. Từng mảnh tường đều được đắp nổi bởi nhiều mảnh chén kiểu vỡ một cách sắc sảo. Bằng tài nghệ và công phu, các nghệ nhân Khmer đã sáng tạo nên một kiến trúc nghệ thuật độc đáo hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước.
Dọc theo cầu thang là những chiếc chén, đĩa úp miệng vào nhau và đáy chén, đĩa được ốp vào tường, gây ấn tượng khó quên đối với ai đã có dịp đến thăm. Tại đây có trên 9.000 bát, đĩa nguyên vẹn được sử dụng. Khuôn viên chùa Chén Kiểu rất rộng với nhiều cây xanh, tạo cảm giác thật thoải mái, thư nhàn cho du khách khi đến viếng.
Bước vào gian thờ chính điện, sẽ thấy quần thể gồm 20 tượng phật lớn, nhỏ đứng ngồi nhiều tư thế khác nhau. Tất cả được bố trí hợp lý, không gian tôn nghiêm luôn thơm mùi nhang khói.
Nhiều du khách đến đây không chỉ để tìm cho mình một chốn bình yên, để được nghe câu kinh, tiếng kệ mà còn để tận mắt chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo này. Có dịp ghé Sóc Trăng, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan, ngôi chùa gốm cổ nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long để hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa cũng như đời sống tâm linh của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Nguồn Quehuongonline
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.