Về Nam Ðàn, quê Bác
Về Nam Ðàn (Nghệ An) giữa những ngày tháng 5 tràn nắng, hương sen tỏa ngát và đi trên những con đường bê-tông thoáng rộng nối vào các ngõ xóm mới cảm nhận được sự đổi thay từng ngày của vùng đất nghèo linh thiêng. Những đổi thay ở Nam Ðàn hôm nay là quá trình vươn lên của từng xã, từng làng, từng người dân, để nguyện xứng đáng với niềm tự hào là quê hương Bác.
Chủ tịch UBND xã Nam Cát Ðoàn Thanh Ðồng cùng chúng tôi trên chiếc ô-tô con, bon bon trên những tuyến đường bê-tông thoáng rộng vào thăm các xóm Ðồng Quan, Ða Cát, Bói Lợi… đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (NTM). Sau ba năm xây dựng NTM, Nam Cát đã có bước tiến vượt bậc trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nhất là áp dụng phương thức cấy bằng máy (mạ khay theo công nghệ Nhật Bản). Từ đó đã giảm chi phí sản xuất, kinh doanh. Ðến nay toàn xã có 12 máy gặt đập liên hợp, bốn máy cày công suất lớn, gần 100 máy cày loại nhỏ, hai máy cấy và tiếp tục nhân rộng mô hình máy cấy. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Nam Cát còn phát triển ngành nghề, dịch vụ, thương mại. Toàn xã có 190 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân. Ðến nay thu nhập bình quân đầu người của Nam Cát đạt 27,5 triệu đồng/người/năm (tăng 17 triệu đồng so với năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo còn 2,9%.
Xác định xây dựng cơ sở hạ tầng là khâu đột phá cho sự phát triển đi lên về mọi mặt, Ðảng ủy, chính quyền xã đã tranh thủ, huy động các nguồn lực cho chương trình này. Xóm trưởng Ðồng Quan Dương Văn Nam cho biết, trong hai năm 2013 và 2014, mỗi hộ dân đã đóng góp 10 triệu đồng xây dựng NTM. Theo thống kê của xã, trong ba năm, nhân dân xã Nam Cát đóng góp hàng nghìn ngày công, hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và đời sống, với tổng số vốn huy động gần 150 tỷ đồng. Ðến nay, toàn xã đã làm được 20,5 km đường giao thông nông thôn đạt chuẩn loại A, tất cả các đường trục thôn xóm, ngõ xóm được bê-tông hóa, đường nội đồng hoàn thiện theo tiêu chuẩn. Hệ thống lưới điện hạ thế phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân. Các tuyến kênh được bê-tông hóa bảo đảm tưới tiêu, chống tiêu hao nguồn nước, điều tiết đủ nước trong các vụ sản xuất…
Xã Nam Trung nằm ở tả ngạn sông Lam, một trong bốn xã của huyện Nam Ðàn cán đích NTM năm 2014. Ông Trần Văn Tân ở xóm 13 rạng rỡ niềm vui: “Trước đây, cuộc sống người dân quê tui gặp nhiều khó khăn, đường chật hẹp, đi lại lầy lội. Nay với sự hỗ trợ của Nhà nước, chung tay của cả cộng đồng, đường được đổ bê-tông rộng rãi, nhà cửa khang trang, dịch vụ buôn bán sầm uất. Cuộc sống đổi thay từng ngày…”. Yếu tố quan trọng giúp Nam Trung cán đích NTM là sự đồng lòng, chung sức của người dân. Ở xã Kim Liên, quê hương Bác Hồ những năm qua thành công với các mô hình “Xây dựng cánh đồng thu nhập cao”, “Xây dựng cánh đồng mẫu lớn”, kinh tế trang trại gắn với đưa cơ giới vào sản xuất nâng cao thu nhập trên cùng diện tích. Cùng với nông nghiệp, xã đẩy mạnh phát triển ngành nghề, dịch vụ, thương mại, và xuất khẩu lao động. Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng nên thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, đạt 26 triệu đồng/người trong năm 2014; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,9%. Ðể Kim Liên sớm “trở thành xã kiểu mẫu” Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã có Ðề án Xây dựng xã Kim Liên thành xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2015 – 2020, với các tiêu chí riêng là: xây dựng nông thôn yên bình, đời sống nhân dân giàu mạnh, hạnh phúc, cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, nền sản xuất nông nghiệp phát triển; văn hóa xã hội phát triển giữ được bản sắc và có đặc trưng riêng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; cơ sở chính trị vững mạnh…
Bí thư Huyện ủy Nam Ðàn Thái Thanh Quý chia sẻ: Xác định nhiệm vụ xây dựng NTM sẽ tạo sự phát triển toàn diện ở từng địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của huyện, Nam Ðàn đã ban hành Nghị quyết số 04 về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2010-2020. Theo đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở vào cuộc, trăn trở tìm các giải pháp thực hiện. Công tác được đặt lên hàng đầu là đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy quy chế dân chủ, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”. Khi tư tưởng đã thông, tạo nên sự đồng thuận trong nhân dân, rất nhiều gia đình sẵn sàng hiến đất, tài sản, đóng góp tiền, ngày công, huy động tối đa nguồn ngoại lực từ các doanh nghiệp đến con em xa quê góp sức xây dựng NTM.
Với sự nỗ lực lớn, sau bốn năm, huyện Nam Ðàn có bốn xã đạt chuẩn NTM. Phấn đấu đến cuối năm 2015, Nam Ðàn có thêm sáu xã đạt chuẩn NTM, và đến năm 2020 có từ 19 đến 20 xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM. Kết quả từ chương trình xây dựng NTM tạo tiền đề vững chắc để Nam Ðàn phát triển toàn diện, sớm trở thành huyện kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.
Nguồn Nhân dân
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.