Về Tiền Giang mà không một lần thưởng thức những đặc sản lừng danh này thì đừng có tiếc!
Nếu có dịp về Tiền Giang thì nhất định bạn hãy thử những món ăn này một lần, những món ăn tạo nên đặc trưng của miền sông nước.
Hủ tiếu Mỹ Tho
Nếu như nói đến một hương vị đặc trưng ở miền Bắc thì có phở, đất Quảng Nam thì có mì Quảng, còn phố cổ Hội An thì có món quà quen thuộc mang tên cao lầu; còn nhắc đến vùng đất Tiền Giang thì có hủ riếu Mỹ Tho – một đặc sản của vùng đất này.
Giống như bún bò, phở hay các loại hủ tiếu khác, hủ tiếu Mỹ Tho có ba thành phần chính: sợi bánh bằng bột gạo, thịt và nước lèo. Hủ tiếu Mỹ Tho hấp dẫn ở chính những thành phần đó, không thể thiếu bất cứ một thành phần nào.
Hủ tiếu ngon thường là loại bánh khô, khi nấu thì nhúng sơ qua nước sôi cho mềm và cho thêm ít mỡ hành phi sẽ giúp cho sợi bánh hơi dai, hương vị thơm béo, càng nhai càng thấy hứng thú thưởng thức hơn.
Vú sữa Lò Rèn
Vú sữa rất phổ biến ở miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long nhưng nổi tiếng nhất, nức danh nhất vẫn là vú sữa Lò Rèn – đặc sản Tiền Giang. Trái vú sữa Lò Rèn khi chín tới quả tròn to, da căng bóng, trĩu nặng trên từng tán cây vô cùng hấp dẫn.
Ruột bên trong của vú sữa trắng tinh, mọng nước như nguồn sữa mẹ và có vị ngọt thanh kèm theo hương thơm ngào ngạt, ăn hoài ăn mãi không ngán.
Để thưởng thức được vị ngon đúng chuẩn nhất của món vú sữa này, bạn nên ghé đến Tiền Giang vào khoảng tháng 9 đến tháng 4 âm lịch.
Sam biển Gò Công
Thiên nhiên ưu đãi ban cho vùng biển Gò Công, Tiền Giang nhiều thủy hải sản ngon như tôm, cá,… nhưng ngon nhất vẫn là sam biển.
Nếu bạn có dịp về Tiền Giang chơi, đặc biệt trong dịp du lịch lễ 2 tháng 9 thì không nên từ chối món sam biển. Sam làm được rất nhiều món ngon như súp sam, sam xào miến, lẩu xam, tiết canh sam, gỏi sam,…
Sam nướng – đặc sản Tiền Giang – là món được nhiều du khách ưa chuộng nhất. Con sam nướng lên có phần thịt sống lưng và sát đuôi dai dai, ngọt ngọt, trứng sam béo ngậy, thơm lừng, nhiều đạm và rất bổ dưỡng.
Chuối quết dừa
Đây là một món ăn dân dã, giản dị, được tất cả mọi người từ già trẻ lớn bé yêu thích. Chuối quyết dừa là món ăn ngon, vừa thơm mùi chuối vừa ngọt vị đường lại vừa có độ béo bùi của dừa nạo, kết hợp với vị ngọt mát của các loại rau vườn tươi xanh và hòa thêm chút vị của nước mắm chua ngọt.
Đặc biệt, món ăn này không thể thiếu bát nước chấm chua ngọt, được pha từ nước mắm, chanh, tỏi, ớt hiểm cay xé lưỡi cùng nước cốt dừa sao cho có vị chua ngọt, tê tê nồng nàn.
Bánh vá (bánh giá)
Ghé qua chợ Giồng thì không thể bỏ qua món bánh vá làm từ những nguyên liệu rất quen thuộc như bột gạo, bột năng, gan heo, giá sống. Nhân bánh gồm giá sống, gan heo, tôm được cho vào trong vá trước sau đó mới múc bột thêm vào sao cho ngập các loại nguyên liệu.
Tiếp đó, nhúng vá vào trong chảo dầu đang sôi cho bánh dính kết lại rồi từ từ rút vá không ra và chờ cho bánh chín vàng. Miếng bánh vá phồng cắn vào nghe giòn rụm tê tê đầu lưỡi. Cái béo dầu sẽ được gia giảm lại bởi sự thanh mát và giản đơn của rau và bún, kết hợp nước chấm tỏi ớt làm bánh ngon hơn và không dễ ngán.
Cá lóc nướng trui Tiền Giang
Đây là một đặc sảnTiền Giang – một khi bạn được ăn rồi chắc hẳn hương vị này sẽ vấn vương thực khách.
Có nhiều cách chế biến món ăn này, nhưng mỗi cách lại có hương vị riêng, độc đáo và thú vị. Cá lóc bắt về chọn ra vài con (không chọn các con cá lớn quá sẽ không chín hết), bẻ nhánh cây trâm bầu hay bình linh gì đó xỏ vào miệng cá tạo thành một cái xiên, dựng đứng xiên, đốt lửa lên nướng cho tới khi mùi cá chín thơm lừng là thưởng thức được.
Khi rơm rạ cháy hết lớp than tro, bỏ những xiên cá ra, bẻ một tàu lá chuối, lau sạch rồi gỡ cá ra khỏi xiên, gỡ bỏ lớp da bị cháy đen rồi bày lên lá chuối để ăn.
Chè Sơn Qui
Sơn Qui là tên một địa danh do vua Tự Đức đặt, thay cho tên cũ là Gò Rùa (giồng đất cát có hình con rùa), cách nội ô thị xã Gò Công chừng 4 cây số. Trước đây, vùng đất này từng là lãnh địa của gia tộc Từ Dũ Thái hậu – vợ vua Thiệu Trị và cũng là mẹ vua Tự Đức.
Và từ đó đến nay, vùng nông thôn hẻo lánh của nơi này lại có món chè gia truyền gắn liền với địa danh Sơn Qui – từng là đại bản doanh của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định.
Chè Sơn Qui được làm rất công phu, để tạo hương vị riêng thì mỗi gia đình đều có cách thức chế biến hơi khác nhau. Qua tìm hiểu và quan sát thực tế, thì chè Sơn Qui được pha chế bằng một số loại vật liệu cơ bản như đường cát trắng, đậu xanh quết nhuyễn cùng đậu thạch vẫn để nguyên hạt. Đậu thạch trái to như đậu ngự dành cho vua ăn trước kia, nhưng lại được trồng trên vùng đất cát pha của vùng.
Cá biển tươi nấu mẳn
Nấu mẳn là cách nấu đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đó là sự kết hợp đầy thú vị giữa kho và nấu canh để tạo ra một hương vị đầy mới mẻ và độc đáo. Với món nấu mẳn, các loại cá trắng không phải đánh vảy, chỉ cần rửa sạch là được.
Gia vị để chế biến món này cũng đơn giản: Muối ớt, hành lá, chanh hoặc giấm. Rau sống ăn kèm phải là chuối non và bắp chuối xắt ghém, giá sống và các loại rau thơm như húng lủi, húng cây, quế.
Nhãn Nhị Quý
Vào mùa nhãn, những cây nhãn xuê xuê, chi chít quả khiến cho du khách không ngừng thèm thuồng. Riêng xã Nhị Quý nổi tiếng với các loại nhãn chất lượng thơm ngon, hơn hẳn các vùng miền khác.
Quả nhãn to, hột nhỏ, cơm dày, vỏ mỏng, vị ngọt thanh, dễ chịu.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.