Vệ tinh Vinasat-2 đã lên quỹ đạo

       Đúng 5 giờ 13 phút ngày 16/5, thời khắc quan trọng nhất đã tới. Vinasat-2 được phóng lên quỹ đạo từ tên lửa đẩy Ariane 5. Vinasat-2 khi đi vào hoạt động sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa năng lực hạ tầng mạng viễn thông của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu sử dụng vệ tinh của thị trường trong nước và khu vực…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

VINASAT2 đã được phóng lên quỹ đạo (ảnh chụp qua màn hình)


Cách đây hai ngày, tên lửa Ariane 5 mang theo vệ tinh Vinasat-2 của Việt Nam và JCSAT-13 của Nhật Bản được vận chuyển ra bệ phóng ELA-3 tại sân bay vũ trụ châu Âu (Guiana, Nam Mỹ). Từ khu nhà lắp ráp hoàn thiện của Trung tâm vũ trụ Arianespace, tên lửa Ariane 5 đã được vận chuyển bằng bệ phóng di động theo một hệ thống đường ray ra bãi phóng ELA-3.

Với việc hoàn thành công đoạn này, quá trình đếm ngược tới khung cửa sổ phóng, kéo dài 2 tiếng đã được kích hoạt. Cửa sổ phóng bắt đầu mở vào lúc 7 giờ 13 phút tối 15/5 theo giờ French Guiana, tức 5 giờ 13 phút sáng 16/5 theo giờ Hà Nội.

Tên lửa Ariane 5 trong năm 2012, với hiệu suất trọng tải trên 8.300 kg, trong đó gồm 7.500 kg là khối lượng của JCSAT-13 và Vinasat-2, cùng với hệ thống điều khiển và các phần cứng tích hợp khác.

Theo Arianespcae, vệ tinh JCSAT-13 nằm phía trên cùng của khoang vận tải của tên lửa Ariane 5 và sẽ được thả vào không gian vũ trụ vào thời điểm 26 phút sau khi phóng. Vệ tinh Vinasat-2 sẽ được thả ra không gian sau, vào thời điểm 36 phút sau khi tên lửa rời bệ phóng.

Lần phóng vệ tinh Vinasat-2 này mang số hiệu VA206, với ý nghĩa là lần phóng thứ 206 của dòng tên lửa Ariane tại Trung tâm vũ trụ Châu Âu tính từ lần phóng đầu tiên vào năm 1979.

 

Cùng với Vinasat-1, vệ tinh Vinasat-2 sẽ tạo thành một hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và giảm thiểu rủi ro giữa các vệ tinh, góp phần tăng cường độ an toàn, ổn định trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng; khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên tần số và quỹ đạo vệ tinh tại vị trí 131.8 độ Đông; củng cố an toàn cho mạng viễn thông quốc gia.

Đúng 4 giờ 50 phút, chương trình truyền hình trực tiếp lễ phóng vệ tinh Vinasat-2 bắt đầu. Chương trình truyền hình được thực hiện tại ba đầu cầu: Trường quay CBS (Đài Truyền hình Việt Nam); Hà Nội (trụ sở Tập đoàn VNPT - 57 Huỳnh Thúc Kháng) và Kourou, French Guyana (Trung tâm vũ trụ Ariane Space).

Ảnh minh họa

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát biểu chúc mừng thành công của sự kiện phóng vệ tinh VINASAT - 2 lên quỹ đạo.


Đến dự lễ phóng vệ tinh Vinasat-2 từ Kourou tại đầu cầu Hà Nội có ông Nguyễn Tấn Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Bắc Son - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thượng tướng Trương Quang Khánh - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Trần Bình Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam; ông Đặng Ngọc Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Phạm Long Trận - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT cùng đông đảo các đại biểu đến từ các Bộ, ban ngành của Trung ương…

 

Ảnh minh họa

Ông Phạm Long Trận - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam phát biểu tại sự kiện.


Trong phóng sự mở đầu chương trình truyền hình trực tiếp lễ phóng vệ tinh Vinasat-2, các đại biểu đã được xem phóng sự nhìn lại lễ phóng vệ tinh Vinasat-1 cách đây hơn 4 năm và tổng kết dự án Vinasat-2.

Sau khi được phóng thành công lên quỹ đạo vào ngày 19/4/2008, Vinasat-1 đã hiện thực hóa giấc mơ làm chủ vệ tinh viễn thông riêng của Việt Nam, khẳng định chủ quyền quốc gia trong không gian. Nhờ Vinasat-1, sóng điện thoại đã phủ đến nhiều xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của đất nước, “rút ngắn khoảng cách” thông tin liên lạc giữa các vùng miền, chất lượng các dịch vụ truyền hình không ngừng được nâng cao… Có thể nói, từng ngày, từng giờ, hàng triệu người dân Việt Nam đang được hưởng lợi từ dự án vệ tinh này.

Bên cạnh đảm bảo lợi ích quốc gia về chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, mục tiêu kinh doanh và khai thác vệ tinh Vinasat-1 hiệu quả cũng được đặt lên hàng đầu và đã được VNPT tích cực triển khai từ giai đoạn đầu thực hiện dự án. Đến nay, VTI đã làm chủ hoàn toàn được việc quản lý, vận hành và khai thác vệ tinh, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của khách hàng trong nước và quốc tế. Trong suốt 3 năm qua, toàn bộ hệ thống thiết bị có liên quan của Vinasat-1 hoạt động ổn định, không có sự cố nào xảy ra. Các thông số, tiêu chuẩn kỹ thuật của Vinasat-1 được giám sát chặt chẽ thường xuyên, cho thấy vệ tinh đang hoạt động tốt, đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật theo thiết kế, có khả năng cạnh tranh với các vệ tinh khu vực trong việc cung cấp các loại hình dịch vụ qua vệ tinh.

Ảnh minh họa

Ông Phan Hoàng Đức - Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn VNPT trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh sự kiện.


Đến thời điểm hiện tại, 90% dung lượng băng tần vệ tinh Vinasat-1 đã được đưa vào sử dụng, dung lượng còn lại được dùng cho việc phát triển mạng lưới của các đơn vị trong VNPT, phục vụ phát hình không thường xuyên và đáp ứng nhu cầu mở rộng băng thông cho khách hàng. Với vùng phủ sóng toàn bộ khu vực Đông Nam Á và cả ở các thị trường lớn khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Vinasat-1 đã và đang cung cấp các dịch vụ truyền hình, truyền dữ liệu, trung kế truyền dẫn, thoại, Internet cho các khách hàng trong và ngoài nước với chất lượng dịch vụ tốt. Mặc dù đi sau và chịu sự cạnh tranh khá mạnh giữa các nhà khai thác vệ tinh trong khu vực nhưng VTI đã kí kết được nhiều hợp đồng với các khách hàng lớn trong và ngoài nước như VTV, VOV, VTC, các công ty dầu khí, các công ty viễn thông của Lào, Thái Lan và Singapore… Trong năm 2010, hoạt động kinh doanh vệ tinh Vinasat-1 đạt được nhiều kết quả khả quan, doanh thu của Trung tâm Thông tin vệ tinh Vinasat tăng 80% so với năm 2009.

Ảnh minh họa

Giờ phút vệ tinh Vinasat - 2 lên quỹ đạo


4 giờ 58 phút, những hình ảnh cập nhật tức thời nhất của Trung tâm điều khiển Jupiter được truyền về. Mọi công tác chuẩn bị, thông số kỹ thuật, các hình ảnh về tên lửa đẩy và động cơ được cập nhật. Trong bài thuyết trình về trong tải của Vệ tinh Vinasat-2, đại diện của Arianespace nhấn mạnh các thông số kỹ thuật của Vệ tinh Vinasat-2.

 

Vệ tinh Vinasat-2 được sản xuất trên nền tảng khung A2100 với công nghệ hiện đại, có tuổi thọ thiết kế là 15 năm. Với 24 bộ phát đáp trên băng tần Ku, Vinasat-2 có khả năng phủ sóng Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Myanmar. Dung lượng truyền dẫn của Vinasat-2 tương đương với 13.000 kênh thoại/Internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình.


5 giờ 13 phút: Thời khắc quan trọng nhất đã tới. Động cơ đã được khởi động, Vinasat-2 được phóng lên quỹ đạo từ tên lửa đẩy Ariane 5.

 

Tên lửa đẩy sẽ phải thực hiện nhiệm vụ vượt qua lực hấp dẫn của Trái đất.Tên lửa Ariane sau 6 giây “leo dốc” ban đầu đã chuyển hướng sang phía Tây, vượt qua Đại Tây Dương.

 

Đúng 5 giờ 49 phút: Thông số báo về từ Trung tâm vũ trụ Kourou cho thấy, vệ tinh Vinasat-2 đã được tách thành công từ tên lửa đẩy Ariane 5 để đi vào quỹ đạo.

Ảnh minh họa

Văn nghệ chào mừng thành công của sự kiện.



Có mặt tại Trung tâm vũ trụ Kourou ở thời điểm này, khi vừa trải qua những giây phút thực sự hồi hộp, vui mừng khi chứng kiến Vệ tinh Vinasat-2 đã được phóng thành công lên quỹ đạo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT Vũ Tuấn Hùng không giấu được niềm tự hào và sự xúc động.

 

Tổng Giám đốc Vũ Tuấn Hùng nói, từ thành công của Dự án phóng vệ tinh Vinasat-2 ngày hôm nay là một dấu ấn tiếp tục thể hiện sự phát triển không ngừng của ngành Viễn thông, CNTT và Truyền thông Việt Nam, khẳng định Việt Nam có thể làm chủ được những công nghệ tiên tiến trên thế giới.

 

Tại đầu cầu 57 Huỳnh Thúc Kháng, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Đảng và Nhà nước, nhiệt liệt chúc mừng sự kiện vệ tinh Vinasat-2 đã được phóng thành công.


Thủ tướng cũng đã nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao sự chủ động và nỗ lực cao của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông, các đối tác và nhà thầu trong việc triển khai Dự án có ý nghĩa quốc gia này. Với kiến thức và kinh nghiệm quản lý và khai thác 2 quả vệ tinh Vinasat-1 và Vinasat-2, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn VNPT nhanh chóng đưa vệ tinh Vinassat-2 đi vào khai thác.

 

“Năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”. Một lần nữa, tại Đề án này, chúng ta cũng đã xác định Công nghệ thông tin và Truyền thông là động lực quan trọng góp phần bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước.

Mục tiêu tổng quát của Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” đặt ra là từ nay đến 2020, Việt Nam sẽ phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thiết lập hạ tầng viễn thông băng rộng trên phạm vi cả nước, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường… Như vậy, có thể nói, Dự án phóng vệ tinh Vinasat-2 mà chúng ta thực hiện thành công hôm nay là một bước đi tiếp, quan trọng trên lộ trình thực hiện Đề án này…” - Thủ tướng đánh giá.


Phát biểu đáp từ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Phạm Long Trận đã bày tỏ lòng cảm ơn tới sự quan tâm, tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu trong lễ phóng thành công vệ tinh Vinasat-2. Sau ba năm thực hiện dự án vệ tinh Vinasat-2, được sự hỗ trợ, giúp đỡ, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, các Ban, Ngành, cho tới thời điểm này, dự án phóng vệ tinh Vinasat-2 đã thực hiện thành công. Vệ tinh Vinasat-2 đã nằm trên quỹ đạo. Sự kiện này đã chứng tỏ nỗ lực vươn lên trên con đường chinh phục thông tin, công nghệ mới, đặc biệt là khát vọng khẳng định tài nguyên đất nước trên không gian quỹ đạo.

 

“Sự kiện phóng thành công vệ tinh Vinasat-2 cũng mới chỉ là bước đầu. Trong thời gian tới, nhiệm vụ còn to lớn hơn như theo chỉ đạo của Thủ tướng đó là VNPT phải sớm đưa vào sử dụng vệ tinh Vinasat-2, kết hợp với vệ tinh đã có Vinasat-1, bổ sung, tăng năng lực cho hệ thống truyền thông, truyền dẫn của Việt Nam. Đưa các dịch vụ về viễn thông, truyền hình, truyền thanh và các dịch vụ khác với chất lượng cao đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đặc biệt là phục vụ cho công tác công ích, phòng chống thiên tai, bão lụt, an ninh quốc phòng của đất nước” - Chủ tịch Phạm Long Trận nói.