Vi phạm bản quyền: Nỗi sợ có làm thay đổi ý thức?
Vi phạm bản quyền là cụm từ ám ảnh những người làm công việc sáng tạo, trong đó có giới làm phim. Khi thị trường đang có những thay đổi tích cực, ai cũng sợ sản phẩm mình làm ra bị đánh cắp…
Đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ: “Nhiều bạn sợ khi mình đưa ra bất cứ ý tưởng nào, ai đó sẽ lấy mất. Đến nhờ tôi góp ý, họ còn nghĩ nếu nói ra, tôi sẽ lấy ý tưởng đó đưa người khác viết. Để giúp các bạn, tôi mất nhiều thời gian giải thích để họ thay đổi tư duy. Thậm chí, tôi đặt ngược vấn đề, ý tưởng đó đem đi bán liệu có ai mua không. Mỗi năm có hàng ngàn ý tưởng kịch bản điện ảnh, nhưng số được chuyển thể làm phim được bao nhiêu?”.
Trả lời cho câu hỏi ý tưởng có được bảo hộ trong Luật Sở hữu trí tuệ hay không, luật sư Nguyễn Hữu Tuấn khẳng định là không. Anh cho rằng, nếu chỉ có ý tưởng mà không được diễn giải chi tiết bằng văn bản, rất khó để chứng minh nó thuộc về ai. “Tôi cho rằng, việc ngại chia sẻ ý tưởng còn đi ngược lại với luật, vì bản chất của luật là kích thích không gian sáng tạo”, luật sư Hữu Tuấn cho biết.
Liên quan đến câu chuyện nói trên, bà Vũ Quỳnh Hà, Giám đốc nội dung Galaxy Play, chia sẻ, khi gửi kịch bản hay đề cương (treatment) đến, một số bạn trẻ cũng có ý thức tự bảo vệ bằng cách yêu cầu được ký biên bản thỏa thuận bảo mật. “Chúng tôi rất sẵn lòng vì nó là giấy tờ chứng minh để các bạn yên tâm. Tôi nghĩ, các bạn có quyền và tôi đánh giá cao điều đó”, bà Hà nói.
Là người đồng hành cùng nhiều nhà làm phim trẻ, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng, hiện nay các bạn trẻ làm phim lẫn khán giả đã ý thức hơn rất nhiều về câu chuyện bản quyền. Cách đây 2 năm, khi tổ chức cuộc thi làm phim, anh từng được nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi, làm sao để mình được quyền sở hữu tác phẩm. Thậm chí, trước khi đi đến ký kết thỏa thuận, anh phải mất 2-3 tháng, mời cả luật sư đến giải thích cho các bạn hiểu quyền tác giả đương nhiên thuộc về họ, nhưng quyền sở hữu thuộc về đơn vị bỏ tiền tài trợ làm phim.
Trường hợp của phim Trạng Tí cũng được đạo diễn Phan Gia Nhật Linh dẫn chứng. Theo anh, nhìn ở mặt tích cực, rõ ràng nó cho thấy giới trẻ đã quan tâm đến vấn đề bản quyền. “Tuy nhiên, mọi người chưa hiểu rõ các quy định về sở hữu trí tuệ, quyền nhân thân và quyền sở hữu khác nhau như thế nào. Nó sẽ gây ra những tác động xấu lên ngành công nghiệp khi chúng ta chưa hiểu về nó. Nếu các bạn có thể tìm hiểu ngọn ngành sẽ giúp ích cho sự phát triển”, đạo diễn Nhật Linh nhấn mạnh.
Sở hữu trí tuệ không còn là câu chuyện của riêng những người làm nghề kỳ cựu – những người đã cất tiếng nói không mệt mỏi nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa thể tháo gỡ. Nhiều bạn trẻ đang chập chững bước chân vào nghề và cả khán giả thưởng thức điện ảnh đã dần thay đổi nhận thức.
Thực tế hiện nay, vi phạm bản quyền đang bủa vây những người làm sáng tạo. Nói như bà Quỳnh Hà, nếu như trước đây khi còn hoạt động trong vai trò nhà sản xuất phim điện ảnh, mỗi khi có phim mới ra mắt, công việc thường trực là phải canh các trang web chiếu lậu, thông báo để bộ phận pháp lý gỡ bản lậu xuống. Thì nay, với các nền tảng trực tuyến, việc đánh cắp xảy ra liên tục và dễ dàng hơn rất nhiều. Hiện trạng đó trên nhiều nền tảng OTT trong và ngoài nước đang đau đầu đối diện.
|
Đừng chờ miễn phí
Theo nhiều nhà làm phim, vi phạm bản quyền ở lĩnh vực điện ảnh có một điểm chung: khán giả chấp nhận xem bản phim đó dù chất lượng xấu, chèn quảng cáo, có thể nhiễm mã độc… nhưng quan trọng, tất cả đều miễn phí. Bà Quỳnh Hà thường xuyên nhận được những bình luận trên các fanpage hỏi: Bao giờ phim được chiếu trên YouTube để xem? Khi một cá nhân nào đó chia sẻ mới xem được bản lậu một bộ phim mới nào đó, lập tức rất nhiều người vào bình luận, nhắn tin xin đường link (liên kết). Đó là lý do, khi Em là bà nội của anh công chiếu và có bản lậu, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nhận được câu trả lời “làm vậy là giúp phim được PR”, khi anh bình luận nói các bạn đừng chia sẻ link phim.
Hiện nay nhiều vi phạm núp bóng dưới dạng “review” trên các mạng xã hội như YouTube, Facebook, TikTok… nhưng thực chất là kể hết nội dung phim, khiến nhà sản xuất khó kiểm soát. Nhiều ê kíp, nhà phát hành, hoặc yêu cầu khán giả ký cam hết, hoặc thậm chí “xin” họ đừng tiết lộ nội dung khi phim vừa chiếu. Nhưng khi các phim này xuất hiện trên các nền tảng trực tuyến sau đó không lâu, tình trạng vi phạm bắt đầu ồ ạt.
“Hiện vi phạm về sở hữu trí tuệ vẫn dừng lại ở phạt hành chính, tối đa cho một hành vi là 500 triệu đồng. Như website phim lậu nổi tiếng phimmoi.net, một banner (biểu ngữ quảng cáo) có thể thu vài tỷ đồng/tháng thì mức phạt đó không thấm vào đâu”, luật sư Hữu Tuấn nhấn mạnh. Vi phạm nhưng xử phạt chưa đủ sức răn đe đã được đề cập khá nhiều và các nhà làm phim đang trông đợi, chế tài sẽ mạnh hơn khi Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua trong tháng 5 tới đây.
Trong câu chuyện vi phạm bản quyền, mấu chốt vấn đề vẫn nằm ở ý thức, đặc biệt là nhận thức được hậu quả do hành vi này gây ra. Do đó, theo bà Quỳnh Hà: “Trước khi mong chờ người khác bỏ tiền mua ý tưởng của mình, hãy bỏ tiền mua sản phẩm của người khác để đạt điều mình mong muốn”.
Trong khi đó, theo đạo diễn Charlie Nguyễn, dù hiện nay đã có những giải pháp nhất định về mặt công nghệ hỗ trợ giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền nhưng nó chỉ là công cụ. “Vấn đề quan trọng nhất là con người. Không cho phép mình xem phim lậu và chia sẻ thông điệp đó với bạn bè, mọi vấn đề sẽ từ từ được giải quyết trong tương lai”, đạo diễn Charlie Nguyễn nhấn mạnh.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.