Vì sao bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận?

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời trúng và đúng những vấn đề đảng viên, cán bộ, nhân dân cũng như học giả, chính khách nước ngoài quan tâm.

Bài viết của Tổng Bí thư về “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” sau khi được công bố đã nhận được hàng nghìn ý kiến, bình luận của độc giả, cán bộ hưu trí, đảng viên, nhân dân ở mọi vùng, miền của Tổ quốc, các nhà nghiên cứu, nhà kinh tế học, nhà ngoại giao, trí thức, văn nghệ sĩ, kiều bào ở nước ngoài. Các ý kiến, bình luận bày tỏ sự đồng thuận với nội dung bài viết của Tổng Bí thư, đón nhận bài viết với niềm tin tưởng và sự hưởng ứng tích cực.

“Vì sao bài viết của Tổng Bí thư lại thu hút sự quan tâm, ủng hộ, đánh giá cao của đông đảo cán bộ đảng viên nhân dân và các chính khách, học giả?” – đặt câu hỏi này, GS.TS Phùng Hữu Phú – Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng, Trung ương cho rằng đưa ra câu trả lời với 3 lý do chính.

Thứ nhất, bài viết đã trả lời trúng và đúng những vấn đề đảng viên, cán bộ, nhân dân cũng như học giả, chính khách nước ngoài quan tâm. Trong nước, cho đến giờ, ở nhiều cấp độ khác nhau, những câu hỏi như CNXH là gì? Vì sao chúng ta lại lựa chọn con đường đi lên CNXH? Cần làm gì, làm thế nào để từng bước xây dựng CNXH ở nước ta như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong bài viết… là những câu hỏi mà người Việt Nam nào cũng suy nghĩ.

Còn ở nước ngoài, cuộc chấn động chính trị đầu năm 1990 khi mô hình CNXH ở Liên Xô sụp đổ, cho đến bây giờ vẫn còn để lại những suy nghĩ trăn trở của những người cộng sản, của nhân dân nhiều nước. Bài viết của Tổng Bí thư đã đáp ứng đúng, trúng những mong muốn, trăn trở của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong nước; giải đáp được nỗi băn khoăn của dư luận ngoài nước.

phung_huu_phu

GS.TS Phùng Hữu Phú. Ảnh: Ngọc Thành

Lý do thứ hai, theo GS.TS Phùng Hữu Phú, bài viết có sức thuyết phục, sức cảm hóa lớn vì tác giả của bài viết – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể nói là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người kiên định mục tiêu lý tưởng đi lên CNXH, người kiên định và luôn trăn trở, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

“Có thể nói, tác giả là người cộng sản đúng nghĩa. Sức cảm hóa của bài viết một phần nằm ở nội dung, nhưng một phần rất quan trọng là người viết. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tác giả đầy sức thuyết phục về trí tuệ và nhân cách” – ông Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.

Thứ ba, điều khiến bài báo có sức lan tỏa rộng rãi là bởi tuy bàn tới vấn đề rất rộng, rất phức tạp, nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chọn một cách trình bày dung dị. Bàn về lý luận, thậm chí là những vấn đề đại lý luận, nhưng không kinh viện, mà lấy đời sống, thực tiễn để minh triết.

GS.TS Phùng Hữu Phú phân tích: “Với câu hỏi CNXH là gì, vì sao lựa chọn con đường CNXH, Tổng Bí thư không đi nhiều vào lý luận mà ông nói rằng nhân dân ta mong muốn, lựa chọn ấy chính là vì Bác Hồ, Đảng ta đã nhận thức đúng nguyện vọng của dân tộc, cho nên con đường đó là con đường của dân tộc, con đường được lựa chọn bởi một sự mong muốn tốt đẹp của nhân dân, của con người.

“Cách nói của Tổng Bí thư rất thuyết phục bằng chắt lọc từ cuộc sống, lấy cuộc sống để minh chứng. Cách nói của Tổng Bí thư cũng là bài học với những người làm công tác lý luận, rằng lý luận nhưng đừng kinh viện, tuyên truyền nhưng không khô cứng, lấy đời sống, thực tiễn để thuyết phục” – ông Phùng Hữu Phú nói.

Vậy giá trị của bài viết nằm ở đâu? Theo Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng, Trung ương, giá trị trước hết là củng cố và nâng cao niềm tin, thể hiện ở câu nói “thế giới có thể còn rất nhiều đổi thay, con đường đi lên phía trước còn rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng cuối cùng nhất định loài người sẽ đi tới CNXH, Chủ nghĩa Cộng sản.

Bài viết đã tiếp thêm sức mạnh để cán bộ, đảng viên, nhân dân, những người cộng sản trên thế giới củng cố sự kiên định mục tiêu, lý tưởng vào nền tảng Chủ nghĩa Mác – Lênin sáng tạo và khoa học.

Nội dung được đề cập có giá trị định hướng rất lớn về suy nghĩ, tư tưởng và hành động, đó là vừa phải kiên định, sáng tạo, vừa phải hành động một cách quyết liệt. “Bài viết 18 trang nhưng tầm tư tưởng, sức cổ vũ, lan tỏa rất lớn”, GS.TS Phùng Hữu Phú khẳng định.

Nguồn vov.vn