Vì sao bụi núi lủa nguy hiểm với máy bay?

 Thành phần chính của bụi núi lửa là các hạt thủy tinh và đá nhuyễn được phun lên bầu khí quyển đến hơn 20 km- tầm cao hoạt động của máy bay dân dụng.

Núi lửa Eyjafjallajokull phun trào vào tháng 4/2010 gây hậu quả nghiêm trọng cho ngành hàng không Châu Âu.

Ngày 23/8, Cơ quan Khí tượng Iceland (Iceland Met Office) đã đưa ra báo động Đỏ do núi lửa Bardarbunga phun trào dưới tảng băng dày và lớp bụi núi lửa có thể thoát ra khỏi lớp băng này bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, cho tới nay, chưa có thiệt hại về người và của do núi lửa Bardarbunga nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên phía bắc Iceland và trước đó, khách du lịch đã được sơ tán khỏi khu vực này. Chính phủ Iceland cũng đã thiết lập vùng cấm bay trên khu vực núi lửa.

Cùng với núi lửa Eyjafjallajokull, Bardarbunga là núi lửa lớn nhất Iceland, nằm dưới lớp băng dày và rộng nhất nước này.

Tháng 4/2010, núi lửa Eyjafjallajokull phun trào và đẩy hàng tấn bụi lên bầu khí quyển, làm tê liệt ngành hàng không trong vòng một tuần. Đám mây bụi trải dài khắp châu Âu đã khiến hơn 100.000 chuyến bay bị hủy bỏ và ảnh hưởng đến hơn 7 triệu hành khách. Đây được xem là sự kiện lớn ảnh hưởng đến ngành hàng không kể từ Chiến tranh Thế giới II, gây ra thiệt hại ước tính từ 1,5 đến 2,5 tỷ Euro.

Vậy, vì sao bụi núi lửa lại nguy hiểm với máy bay?

Thành phần chính của bụi núi lửa là các hạt thủy tinh và đá nhuyễn được phun lên bầu khí quyển đến hơn 20 km, là tầm cao hoạt động của máy bay dân dụng. Các thành phần này có nguy cơ bào mòn cánh quạt của bộ phận phản lực máy bay, làm giảm hiệu suất hoạt động. Nguy hiểm hơn nữa, bụi núi lửa len lỏi vào bộ phận đốt lửa của máy bay, tạo ra khối hỗn hợp làm cứng bộ phận quạt đẩy và có thể làm hỏng động cơ bay ngay trên không.

Bụi núi lửa còn có thể làm hư hại các thiết bị cảm ứng tốc độ, che tầm nhìn của phi công, làm ô nhiễm không khí trong khoang máy bay, ảnh hưởng đến hệ thống làm lạnh và áp suất trong khoang hành khách. Từ năm 1935-2008, Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) ghi nhận hơn 83 trường hợp máy bay gặp phải bụi núi lủa. Trong đó, nguy hiểm nhất là trường hợp máy bay của hãng British Airways  gặp nạn khi núi lửa Galunggung của Indonesia phun trào vào tháng 6/2008. Máy bay BA747 của hãng này gặp sự cố khi toàn bộ 4 động cơ ngừng hoạt động trên không, tuy nhiên, sau đó máy bay đã hạ cánh an toàn khi phi công khởi động thành công 3 trong 4 động cơ.

Các rủi ro và tác hại của bụi núi lửa cho ngành hàng không đã được biết đến hơn thập kỷ nay. Tuy nhiên, cách phòng chống duy nhất cho đến nay vẫn là tránh bay vào khu vực có bụi núi lửa dựa trên các hình ảnh chụp từ vệ tinh và báo cáo của địa phương. Qua đó, các cơ quan hàng không có thể tính toán và dự đoán khu vực bụi núi lửa nhằm điều chỉnh hướng bay kịp thời và giảm thiểu thiệt hại đến máy bay.

Trong tương lai gần, máy bay dân dụng có thể trang bị các thiết bị phát hiện bụi núi lửa và cảnh báo phi công thay đổi hướng bay nếu mật độ bụi gây nguy hiểm cho máy bay. Được phát triển chung bởi Airbus, easyJet và công ty Nicarnica Aviation, thiết bị AVOID (Airborne Volcanic Object Imaging Detector) dùng các máy ảnh tia hồng ngoại để phát hiện vùng bụi trong tầm 100km và phát tín hiệu cảnh báo kịp thời cho phi công.  Thiết bị này cũng có thể lắp đặt trên máy bay dò đường để nhanh chóng phát hiện khu vực nhiễm bụi và đưa ra thông tin kịp thời.

Nguồn chinhphu.vn