Vì sao cả triệu người “quay lưng” với Bảo hiểm y tế?

Theo ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, từ đầu năm tới nay, số người tham gia BHYT đã giảm khoảng 1 triệu người, từ 64 triệu xuống còn 63 triệu người.

Thủ tục phiền hà, dân sợ đóng nhiều

Theo báo cáo, tỷ lệ dân số tham gia BHYT năm 2014 đạt khoảng 71,6% còn mục tiêu tới cuối năm nay tỷ lệ này phải nâng lên mức 75%.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, từ đầu năm tới nay, số người tham gia BHYT đã giảm khoảng 1 triệu người, từ 64 triệu xuống còn 63 triệu người.

Tỷ lệ giảm này nằm ở hai nhóm: hộ gia đình và các hộ nghèo đã giảm xuống hộ cận nghèo.

Cũng sau 4 tháng triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ 1/1/2015), 33 địa phương đã quan tâm, hỗ trợ 30% mức đóng còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT.

Tuy nhiên, theo ông Bằng, qua kiểm tra, một số tỉnh, TP đã đưa chỉ tiêu BHYT là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội nhưng chưa xác định rõ các vấn đề tồn tại, xác định nguyên nhân của địa phương để đưa ra những giải pháp thích hợp.

Riêng về BHYT gia đình, theo ông Bằng, đa số người dân chưa hiểu được quy định mới, một số địa phương còn máy móc, áp dụng các thủ tục gây phiền hà như bắt các hộ gia đình phải phô tô BHYT các thành viên trong khi họ đã đi công tác xa.

“Thủ tục phiền đã trở thành một trong những nguyên nhân khiến số thẻ BHYT gia đình bị giảm sút. Với quy định này, gia đình chỉ cần khai danh sách ai có thẻ BHYT, ai chưa có, hộ gia đình ấy tham gia mấy người, chủ hộ ký xác nhận là xong” – ông Bằng nói.

Ngoài ra, do chưa hiểu quy định mới, người dân cho rằng một người đóng BHYT là 620.000 đồng/năm. Nhưng thực tế, nếu cả gia đình tính bình quân có năm người thì mức BHYT đóng cho cả hộ khoảng 2 triệu đồng một năm vì thêm một thành viên tham gia, mức đóng BHYT lại giảm theo từng nấc nhất định.

“Thực tế tính bình quân chỉ 33.000 đồng/người/tháng, là mức không phải là cao với người dân” – ông Bằng nói.

Một khó khăn nữa thực hiện BHYT gia đình, theo ông Bằng là do quy định tạm trú, tạm vắng của người dân chưa được thực hiện nghiêm, nhiều người không đăng ký tạm trú nên không thể nắm hết đối tượng.

Một nguyên nhân chủ quan nữa, các địa phương chưa chủ động, nhạy bén triển khai BHYT hộ gia đình, dẫn tới chưa có giải pháp, chưa xác định được nhóm đối tượng. Một số tỉnh, thành đã không biết được số lượng cụ thể các nhóm đối tượng để phát hành đúng số thẻ. “Nếu tính toán cụ thể thì cấp xã, huyện mới phát triển được đối tượng. Tới thời điểm này có tỉnh mới chỉ đạt 35% đối tượng tham gia BHYT” – ông Bằng nói.


Thủ tục phiền hà, dân sợ đóng nhiều… khiến số người tham gia Bảo hiểm y tế giảm đến cả triệu người (nguồn: Báo Tuổi trẻ)

Thanh toán liên tuyến không dễ dàng

BHYT theo hộ gia đình là quy định mới, đảm bảo sự công bằng, chia sẻ trách nhiệm giữa người tham gia BHYT từ ngay trong chính gia đình, góp phần gia tăng tỷ lệ bao phủ BHYT một cách bền vững, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình.

Ông Lê Văn Khảm, Vụ phó Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, để thúc đẩy số người tham gia BHYT, các cơ quan liên quan sẽ ban hành chi tiết hướng dẫn thực hiện BHYT theo hộ gia đình theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, giảm thiểu các thủ tục hành chính trong kê khai danh sách theo sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, liệu một người dân ở Nam Định, mua BHYT ở tỉnh này, nhưng đi làm ăn tại Bình Dương thì có được khám bệnh tại Bình Dương theo thẻ BHYT đã mua hay không, ông Bằng cho hay, người dân có thể mua thẻ BHYT ở đâu cũng được và được đăng ký khám bệnh viện tại Bình Dương. Hiện các bệnh viện thực hiện thanh toán đa tuyến.

Giải thích rõ hơn về điều này, ông Khảm cho biết thêm, hiện thủ tục thanh toán cho trường hợp này vẫn còn khó khăn cho người bệnh. Vì vậy, thay vì mua BHYT tại Nam Định, ông Khảm khuyến cáo: người đi làm ăn xa, xác định ở lại lâu dài vùng đất đó thì nên mua thẻ BHYT tại địa phương mình làm việc và chọn bệnh viện khám. “Hiện quy định thanh toán liên tuyến đã có nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện thuận lợi. BHYT sẽ phải căn cứ vào trường hợp cụ thể để giải quyết” – ông Khảm cho hay.

Về mức thu BHYT hộ gia đình 2 triệu đồng/năm có phải là mức thu cao so với các hộ dân hay không, có nên tách ra thu từng tháng một để người dân dễ thực hiện không, ông Bằng cho biết, “thẻ BHYT hiện cấp một năm, nếu thu hàng tháng chúng tôi chưa thể đảm bảo được rằng sẽ thu được hết năm. Đây là vướng mắc và chúng tôi đang bàn phương án để động viên các gia đình tham gia”.

Liên quan tới quy định được khám BHYT vào ngày nghỉ nếu bệnh viện quá tải, ông Khảm cho hay, trong tháng 6 hoặc tháng 7 tới, Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư sửa đổi bổ sung điều này, bỏ cụm từ “nếu quá tải”. Khi đó, không cần bệnh viện quá tải, các ngày nghỉ, ngày lễ, người dân vẫn được khám BHYT bình thường, không phải trả thêm các khoản chênh lệch./.

Nguồn Tổ quốc