Vì sao phim chiến tranh chưa đủ sức hút?

Hơn 2 năm mới tiếp tục có phim đề cập đến đề tài chiến tranh. Song các bộ phim dường như đều chưa đủ sức thu hút khán giả.

Sau hai năm không có phim về đề tài chiến tranh, bởi vậy, trong dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, phim chiến tranh đang được khán giả chờ đợi và kỳ vọng. Hai bộ phim, một điện ảnh (Sống cùng lịch sử), một truyền hình (Đường lên Điện Biên) được gấp rút hoàn thành cho kịp tiến độ lễ Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, dường như, các bộ phim vẫn chưa chạm được đến được tâm hồn khán giả, chưa khắc họa được một phần cuộc chiến hay thân phận con người như những bộ phim chiến tranh một thời nổi tiếng quốc tế và lay động hàng triệu trái tim khán giả Việt.

Khập khiễng xưa và nay

Kể từ khi bộ phim truyện nhựa đầu tiên “Chung một dòng sông” ra đời (1959) đến thời kỳ đỉnh cao của phim chiến tranh Việt Nam (1965-1975), trong vòng 5 năm, điện ảnh Việt Nam cho ra đời 18 tác phẩm. Con số đó không nhiều nhưng nếu so với hiện nay, 5 năm chúng ta cũng chỉ có 2, 3 bộ phim đề cập đến đề tài này thì xem ra, thời hoàng kim của phim chiến tranh đã qua.

Có nhiều người cho rằng, hiện nay, giữa thời bình, phim đề tài chiến tranh không còn cần thiết. Suy nghĩ đó có phần phiến diện. Bởi thực tế cho thấy, nhiều bộ phim chiến tranh nổi tiếng thế giới lại được làm giữa thời bình và mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc và có sức lay động long người. Hơn nữa, phim chiến tranh đặc biệt đề cao lòng yêu nước, ý chí quyết hy sinh tất cả để giành độc lập tự do cho dân tộc, sẽ là bài học lịch sử quý giá cho thế hệ tương lai.

 1

Phim chiến tranh hiện nay chưa hấp dẫn khán giả (ảnh minh họa)

GS.TS Trần Luân Kim- Nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhận xét: “Hai năm trở lại đây chúng ta không có kinh phí làm phim chiến tranh. Nhưng nhìn lại, giữa thời gian đặc biệt, trong chiến tranh lửa đạn, giai đoạn 1964- 1975, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã làm nên kỳ tích: phát triển mạnh cả về số lượng lẫn các mặt thành tựu sáng tác, trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn toàn diện. Còn hiện nay, phim Việt đều do các hãng tư nhân sản xuất là chính, tư nhân đặt lợi nhuận lên trên nên không thể làm phim chiến tranh. Vừa tốn kém, vừa khó thu hút khán giả”.

Nhìn vào chất lượng hai bộ phim được sản xuất cho “kịp tiến độ” chào mừng Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, rõ ràng, chất lượng chưa đủ để thu hút khán giả. Phim truyền hình “Đường lên Điện Biên” còn chưa chạm được tới sự chân thực. Mới chiếu vài tập đầu, song một vài chi tiết phim chưa được xử lý kỹ lưỡng khiến người xem còn cảm giác giả. Như những tấm chăn, màn của đồng bào Thái còn quá mới và hiện đại không phù hợp với thời kỳ những năm kháng chiến đói khổ.

Hay “Sống cùng lịch sử”, vì muốn thu hút khán giả trẻ nên đạo diễn (Nguyễn Thanh Vân) và nhà biên kịch (Đoàn Minh Tuấn) đã đưa “cảnh nóng” của đôi bạn trẻ vào ngay phần đầu phim. Song nhiều khán giả lại cho rằng, cảnh đó là thừa.

Bộ phim cũng mới chỉ dừng ở việc minh họa lịch sử, như một phim tài liệu được dựng lại chứ chưa tạo được sức hút với khán giả như một phim truyện điện ảnh. Đây cũng chính là cái yếu mà TS Ngô Phương Lan- Cục trưởng Cục Điện ảnh từng nhận định về phim Việt: “Thói quen đặt ra quá nhiều ý tưởng lớn lao và vấn đề quan trọng nhất trong một tác phẩm khiến cho nhiều nhà làm phim không đủ sức khai thác sâu sắc một vấn đề nổi bật nào, không gây được ấn tượng mạnh và không thuyết phục được người xem. Điều này làm cho nhiều bộ phim nhạt nhẽo, vô vị, kém sức hấp dẫn và sức lay động mặc dù nội dung tốt”.

Phim chiến tranh về đâu?

Vì sao, phim chiến tranh hiện nay thiếu và yếu, câu trả lời không đơn giản.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc, tác giả kịch bản bộ phim chiến tranh “Cao hơn bầu trời” chia sẻ: “Phim chiến tranh khó làm. Trong đó, khó nhất vẫn là viết sao cho thật hay, thật mới mẻ và đầy xúc cảm, làm sao để các nhà làm phim có thể thực hiện được. Nhân vật thì người viết có thể hư cấu, song bối cảnh phải thực. Đặc biệt lời thoại trong phim phải ngắn gọn, ngôn ngữ phải bật lên được tính cách nhân vật. Nếu anh dễ dãi theo đường mòn lối cũ, hiện đại hóa ngôn từ, hoặc lai kiểu cách của Tây, Tàu, đều hỏng”. Bên cạnh đó, để phim hấp dẫn, nhà văn cũng khẳng định: “Phim chiến tranh không đơn thuần chỉ kể lại diễn biến các trận đánh theo kiểu ùng oàng, ta thắng địch thua, vì nếu vậy chắc chẳng có ma nào xem. Có điều, chiến tranh không bao giờ đi liền với sự viên mãn của tình yêu và hạnh phúc, bởi nó luôn là nỗi đau giằng xé khôn nguôi. Tựu trung, vấn đề cốt lõi của phim vẫn phải xoay quanh số phận con người với nhiều cảnh đời éo le, trắc trở. Mỗi tập phim với tôi tựa như một ngọn núi lớn. Tôi phải lấy hết sức bình sinh để leo lên từng ngọn núi một, rồi cắn răng, bấm chí mà vượt”.

Nhận định về những bộ phim chiến tranh chưa được như kỳ vọng, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc cho rằng: “Vấn đề đầu tiên nằm ở khâu đầu tư kinh phí. Tiếp đến là bối cảnh và phục trang. Nhiều phim chiến tranh của ta dùng phục trang “giả cầy”, xem rất chối. Còn ở góc độ kịch bản, xin nói nếu kịch bản dở làm sao phim hay được”.

Còn TS Ngô Phương Lan thì cho biết: “Hiện kinh phí Nhà nước đặt hàng chỉ dành làm những bộ phim phục vụ những dịp tuyên truyền, kỷ niệm. Tiền có nhưng không nhanh, trong khi các phim đều phải làm gấp để kịp tiến độ. Cấp tập quá nhiều khi phim chưa đạt được chất lượng như mong muốn”.

Cùng quan điểm, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, “cha đẻ” của các bộ phim chiến tranh như “Đường thư”, “Những người viết huyền thoại” và mới đây là “Đường lên Điện Biên” chia sẻ: “Làm phim về chiến tranh phải có tiền và thời gian. Nếu phim “Đường lên Điện Biên” được đặt hàng từ 3 năm trước, tôi cũng không thể làm được. Hiện nay, kỹ thuật mới, máy móc hiện đại mới giúp làm được bộ phim. Phim được sử dụng rất nhiều kỹ xảo. Phải tái tạo lại mọi thứ. Làm phim chiến tranh, muốn thật và hay thì phải tốn kém.

Khi mà các nhà làm phim chỉ trông chờ kinh phí nhà nước để làm phim chiến tranh. Và phim chiến tranh chỉ sản xuất vào mỗi dịp kỷ niệm thì rõ ràng, để có những tác phẩm sánh vai cùng các đỉnh cao một thời như “Cánh đồng hoang”, “Bao giờ cho đến tháng Mười” thì vẫn là câu chuyện xa vời./.

Nguồn Tổ quốc