Vì sao thanh long từ 5.000 đồng lên 40.000 đồng/kg chỉ trong vài ngày?
Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An vừa ra khuyến cáo bà con nông dân và các thương lái cẩn trọng, coi chừng rơi vào bẫy tăng giá của các thương nhân Trung Quốc.
“Đây là dấu hiệu bất thường, nhiều khả năng họ cố tình làm giá để bán hết lượng hàng cũ còn tồn từ trước khi xảy ra dịch bệnh, đến khi giải quyết hết hàng tồn họ đẩy giá xuống thấp trở lại. Cũng có thể nếu thị trường tốt dần lên, nhu cầu tiêu thụ thanh long tăng cao, mức giá 40.000 đồng/kg sẽ được giữ ổn định, thậm chí tăng thêm nhưng khả năng này rất khó xảy ra” – ông Trịnh nói.
Ông Đinh Hùng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lavifood (một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thanh long quy mô lớn của Long An), cũng đánh giá động thái tăng giá thu mua thanh long lên 40.000 đồng/kg của các nhà kho Trung Quốc là không bình thường.
Xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc thông thương trở lại, giá thu mua thanh long tại Long An đã tăng lên 40.000 đồng/kg
“Cả thị trường thanh long xuất khẩu Việt Nam phụ thuộc vào 3 đầu mối lớn của Trung Quốc. Họ có thể liên kết với nhau, dùng nhiều chiêu thức để nhập hàng hoặc xuất hàng ra khỏi kho. Chẳng hạn nếu đợt này họ đang làm giá để đẩy hàng tồn thì đến khi đạt được mục đích họ sẽ giảm giá” – ông Dũng tiết lộ.
Cũng theo ông Dũng, đặc thù của trái thanh long là biến động giá hằng ngày, hằng giờ và phụ thuộc vào giá thu mua của các kho Trung Quốc nên rất khó dự đoán. Do Trung Quốc tăng giá thu mua nên doanh nghiệp xuất khẩu thanh long Việt Nam cũng đang tăng giá theo. Tạm thời, nhà vườn nào có hàng thì bán được giá tốt, thu tiền ngay.
Trước diễn biến bất thường của thị trường và tình hình dịch bệnh khó lường, Hiệp hội thanh long Long An khuyến cáo bà con nông dân, thương lái cẩn trọng. Với những nhà vườn thanh long chưa chín, không nên chủ quan nhận đặt cọc miệng hoặc ôm hàng để bán giá cao mà để chắc chắn, có thể bán cho các DN trong nước với giá vừa đủ có lãi. Trường hợp muốn bán hàng cho các đầu mối thu mua xuất khẩu phải có hợp đồng rõ ràng bởi nếu chỉ căn cứ vào hợp đồng miệng như trước đây, không may xảy ra rủi ro sẽ khó kêu gọi giải cứu lần nữa.
“Trung Quốc năm nào cũng làm giá, thao túng thị trường trong khi nông dân không có thông tin, cứ thấy kho phát giá cao thì mừng và có tâm lý ôm hàng, chờ giá cao mới bán nên khi bị phá giá thì thua lỗ” – Chủ tịch Hiệp hội nêu thực trạng; đồng thời cho biết Hiệp hội đang tích cực phối hợp với Sở Công Thương tỉnh kết nối doanh nghiệp, HTX thanh long với các đầu mối tiêu thụ trong nước để bảo đảm đầu ra ổn định cho bà con. Song song đó, đàm phán lại với một số siêu thị để có mức giá hợp lý nhằm đưa trái thanh long vào kênh bán hàng hiện đại hiệu quả hơn.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.