Việt Nam đã kìm chân được dịch Covid-19
Việt Nam đứng thứ 148 về số ca mắc, trong số 215 quốc gia/vùng lãnh thổ có Covid-19 và cũng là 1 trong 2 quốc gia có trên 300 ca nhiễm mà không có người tử vong
Nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh
Diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới vẫn rất phức tạp với gần 7,8 triệu người mắc và gần 430.000 người tử vong. Tại Việt Nam, đến thời điểm này ghi nhận 334 ca mắc, trong đó có 323 trường hợp đã khỏi bệnh, không có tử vong. Những thành quả chống dịch của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Theo các chuyên gia y tế, thành quả trong cuộc chiến chống Covid-19 được vun đắp từ những thành công nhỏ nhưng vững chắc theo diễn biến của dịch. Trước hết đó là nhờ chiến lược đúng đắn, nhất quán; phương châm đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết; hành động kịp thời, quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của toàn dân. Cùng với đó là chiến thuật uyển chuyển, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trong từng giai đoạn.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết Việt Nam được đánh giá là nước có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 lớn nhất do có đường biên giới dài với Trung Quốc (nước khởi phát dịch), giao thương phức tạp. Tuy nhiên, hoàn toàn đi ngược với đánh giá của thế giới, Việt Nam đã kìm chân được dịch Covid-19. Đặc biệt khi có các ca nhiễm trong cộng đồng, cách làm của Việt Nam là quyết liệt khoanh vùng, phong tỏa triệt để các ổ dịch, không để dịch lây lan. “Thành công của chiến lược khoanh vùng dập dịch và đặc biệt là chỉ thị giãn cách xã hội ở nước ta làm chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng bị chặt đứt một cách bền vững” – ông Phu đánh giá.
Nhờ khống chế được dịch Covid-19, đất nước đã chuyển sang trạng thái bình thường mới. Trong ảnh: Người dân tắm biển ở Mũi Né (tỉnh Bình Thuận). Ảnh: HÀ GIANG
“Mơ ước của nhiều nước”
Chia sẻ trên diễn đàn Quốc hội ngày 13-6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Phòng chống dịch Covid-19, cho biết gần 2 tháng qua Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, chừng ấy ngày thì thế giới đã thêm 5,6 triệu ca mắc và thêm gần 300.000 ca tử vong. “Cuộc sống của người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước trên thế giới” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đạt được thành công trên là do ngay từ ban đầu, khi có những thông tin đầu tiên về dịch bệnh, tháng 12-2019, khi còn chưa biết tên virus, chưa đặt tên dịch bệnh thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế tham vấn với các tổ chức quốc tế, lên kế hoạch chống dịch rất căn cơ, bài bản. Việt Nam là nước đưa ra các giải pháp sớm hơn một bước và cao hơn một bước so với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng khai báo y tế bắt buộc với tất cả người nhập cảnh từ vùng dịch. “Các tổ chức quốc tế đã đánh giá những biện pháp của Việt Nam rất đúng, rất sớm, rất kiên quyết và hiệu quả kinh tế cao nhất, bởi tổng chi phí cho chống dịch chúng ta đến hôm nay là rất thấp so với nhiều nước trên thế giới” – Phó Thủ tướng nói.
Dịch bệnh còn kéo dài
Dù Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nguy cơ lây lan trong cộng đồng ở mức rất thấp nhưng tình hình dịch Covid-19 ở các nước trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, khó dự báo. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện các giải pháp ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm bên ngoài. Tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Hệ thống giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng được duy trì để khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức. Theo ông Long, năng lực ứng phó với đại dịch tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là đội ngũ y tế trong chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19 ở tất cả các tuyến. Việt Nam cũng đã chủ động sản xuất nhiều trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế, máy thở, thuốc điều trị…
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.