Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Chấp hành Đại hội đồng Y tế thế giới

Sau năm ngày diễn ra hàng loạt các hoạt động, Hội nghị Khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 66 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Guam, Hoa Kỳ đã kết thúc vào ngày 16-10.

 1

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.

Tại hội nghị, các nước thành viên cùng bầu Việt Nam và Fiji là hai quốc gia đại diện cho các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực vào ghế thành viên Hội đồng chấp hành Đại hội đồng Y tế thế giới nhiệm kỳ ba năm, từ tháng 5-2016 đến tháng 5-2019.

Hội đồng chấp hành là nơi đề xuất và chuẩn bị các chương trình nghị sự cho Đại hội đồng Y tế thế giới, do đó có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định các chính sách y tế chủ chốt trên cấp độ toàn cầu. Đại diện cho khối các nước ASEAN trong khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, Việt Nam sẽ góp thêm tiếng nói từ các quốc gia đang phát triển với các hệ thống y tế đang trong quá trình chuyển đổi. Những thách thức và khó khăn trong phát triển y tế của Việt Nam và các nước sẽ được quan tâm nhiều hơn trong quá trình thế giới và khu vực xây dựng và thực thi các chính sách y tế.

Kết thúc, Hội nghị cũng thông qua năm Nghị quyết về các vấn đề y tế của khu vực: Phòng chống viêm gan virus; Bao phủ y tế chăm sóc sức khỏe toàn dân; phòng chống lao; Phòng ngừa bạo lực và tai nạn thương tích; Sức khỏe người dân ở đô thị.

Nghị quyết về phòng chống viêm gan virus đã thông qua Kế hoạch hành động khu vực Tây Thái Bình Dương về viêm gan virus giai đoạn 2016-2020, với tầm nhìn hướng đến một khu vực không còn các ca nhiễm mới viêm gan do virus và người dân đã mắc viêm gan virus được tiếp cận chăm sóc, được điều trị hiệu quả và có thể chi trả được.

Kế hoạch này nhằm đạt được hai mục tiêu: Giảm truyền nhiễm viêm gan virus, giảm tỷ lệ mắc và tử vong của bệnh viêm gan virus. Các hoạt động được WHO khuyến cáo gồm: xây dựng ý thức và hiểu biết giữa các bên liên quan, tăng cường chính sách công, thu thập dữ liệu để hiểu hơn về các bệnh viêm gan, nâng cao các chiến lược dự phòng, nâng cao việc tiếp cận đối sàng lọc, chẩn đoán và điều trị viêm gan virus B và C mà người dân có thể chi trả được.

Nghị quyết về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân cũng thông qua Khung hành động khu vực Tây Thái Bình Dương về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân nhằm hướng tới sức khỏe tốt hơn cho người dân, dựa trên nguyên tắc bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng và không phải chịu gánh nặng về tài chính. Khung hành động này đưa ra 15 lĩnh vực hoạt động ưu tiên theo năm đặc tính cơ bản, nhằm cung cấp các hướng dẫn cho các quốc gia xây dựng các lộ trình cụ thể của mỗi nước hướng tới bao phủ chăm sóc toàn dân, song nhấn mạnh rằng việc lựa chọn và kết hợp các hành động cần được cân nhắc tùy theo nhu cầu và năng lực của mỗi quốc gia và lồng ghép đa hành động trong các chính sách và cải cách y tế quốc gia để đạt được hiệu quả cao nhất.

Nghị quyết về phòng chống lao thông qua Khung hành động khu vực Tây Thái Bình Dương về thực hiện Chiến lược toàn cầu về thanh toán bệnh lao giai đoạn 2016-2020. Khung hành động khu vực đưa ra ba trụ cột nhằm thực hiện Chiến lược thanh toán lao toàn cầu, gồm: chăm sóc và dự phòng được lồng ghép và lấy con người làm trung tâm; tăng cường chính sách và các hệ thống hỗ trợ; tăng cường nghiên cứu và đổi mới.

Nghị quyết về phòng ngừa bạo lực và tai nạn thương tích thông qua Khung hành động khu vực về phòng ngừa bạo lực và tai nạn thương tích. Khung hành động này đưa ra các chính sách và hành động dựa trên bằng chứng và dữ liệu trên phạm vi đa ngành để giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bạo lực và tai nạn thương tích gây ra. Khung hành động này cũng đưa các bước đi cần thực hiện ngay và bền vững để giảm gánh nặng quốc gia về bạo lực và tai nạn thương tích, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của đối tác liên ngành.

Nghị quyết về sức khỏe người dân ở đô thị thông qua Khung hành động khu vực Tây Thái Bình Dương về sức khỏe người dân ở đô thị giai đoạn 2016-20120: Các thành phố khỏe mạnh và thích ứng nhanh. Khung hành động này hướng tới xây dựng các cộng đồng thành phố và đô thị khỏe mạnh và thích ứng nhanh theo cách tiếp cận toàn hệ thống, với mục tiêu cải thiện sức khỏe người dân, thúc đẩy bình đẳng và sự phát triển đô thị bền vững.