Việt Nam phân lập thành công virus corona: Vỡ òa niềm vui
Với thành công này, Việt Nam sẽ chủ động trong việc sản xuất bộ sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán ca bệnh dương tính nCoV, phát triển vắc-xin phòng chống loại virus này trong tương lai
Vỡ òa niềm vui
Chia sẻ về quá trình nuôi cấy, phân lập thành công chủng virus corona mới có nguồn gốc từ TP Vũ Hán (Trung Quốc), PGS-TS Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết có 9 mẫu bệnh phẩm dương tính được lựa chọn. Trong số này, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp và cảm quan, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 2 bệnh phẩm và nuôi cấy trên 2 mẫu tế bào được cung cấp bởi phòng thí nghiệm của Trường ĐH Nagasaki (Nhật Bản). Kết quả, sau 72 giờ nghiên cứu, phân lập, các nhà khoa học Việt Nam đã nhìn thấy hình hài con virus corona trong phòng thí nghiệm.
GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, thông tin về virus corona mới được phân lập
Theo PGS Lê Quỳnh Mai, thông thường khi virus thâm nhập vào tế bào, nó sẽ phá hủy tế bào nhưng theo thông tin từ một số quốc gia đã phân lập thì virus không có biểu hiện phá hủy nên rất khó để quan sát được nó có sống và nhân lên trong môi trường này hay không. May mắn trong 2 mẫu tế bào “nuôi” virus đã có một mẫu tế bào nhân lên “rất đẹp”. “Lúc 9 giờ 40 phút, các nhà khoa học nhìn thấy thành quả là hình ảnh những con virus đã sống. Dưới kính hiển vi, con virus này có kích thước khoảng 100 nanomet với hình dạng như vương miện hoặc giống như vành nhật hoa đã được mô tả trong y văn, khi đó cả nhóm nghiên cứu bất ngờ, vỡ òa sung sướng vì không nghĩ kết quả có thể đến nhanh như vậy. Dĩ nhiên để có được kết quả hôm nay là quá trình tích lũy trong thời gian rất dài. Quy trình này đã thực hiện từ các vụ dịch lớn trước đó như SARS, cúm A/H1N1, H5N1…” – PGS Lê Quỳnh Mai chia sẻ.
GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, khẳng định với thành công này, Việt Nam sẽ chủ động trong việc sản xuất bộ sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán ca bệnh dương tính nCoV, tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV. Đây cũng là tiền đề cho việc nghiên cứu độc lực virus, phát triển vắc-xin phòng chống loại virus này trong tương lai và giúp cho việc đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn. “Hiện nay Việt Nam đang có trên 1.000 người từ Trung Quốc trở về và gần 500 người có tiếp xúc gần với người nhiễm nCoV đang được cách ly, theo dõi, giám sát và chờ kết quả xét nghiệm. Do đó, việc rút ngắn thời gian xét nghiệm có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp sớm phân lập được bệnh nhân mắc nCoV (nếu có) hoặc giải phóng sớm các khu cách ly, tiết kiệm nhân lực, tiền bạc, làm tốt hơn công tác phòng dịch” – GS Đặng Đức Anh khẳng định.
Theo nhóm nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, khi đã phân lập được virus thì mẫu chứng dương (virus để đối chứng kết quả của bệnh phẩm dương tính) – thành phần không thể thiếu trong quy trình xét nghiệm – tới đây sẽ được chuẩn hóa là nCoV-2019.
Đồng loạt xét nghiệm
Theo GS Đặng Đức Anh, dự kiến trong tuần tới, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương sẽ cung cấp các mẫu đối chứng này cho các đơn vị xét nghiệm có đủ năng lực. “Hiện Việt Nam đã thiết lập hệ thống các phòng xét nghiệm cho việc xét nghiệm và chúng ta hoàn toàn chủ động trong vấn đề xét nghiệm. Theo đánh giá có khoảng 21 phòng xét nghiệm trên toàn quốc có thể thực hiện xét nghiệm sàng lọc virus corona. Điều này cũng bảo đảm trong trường hợp xảy ra dịch lớn, mỗi ngày sẽ có hàng ngàn mẫu xét nghiệm được thực hiện đồng loạt ở các địa phương. Trước khi bàn giao mẫu đối chứng để các phòng xét nghiệm tuyến tỉnh thực hiện, chúng tôi sẽ tiến hành tập huấn về an toàn sinh học” – GS Đức Anh nhấn mạnh.
Nói về kế hoạch phát triển, sản xuất vắc-xin ngừa virus corona, GS Đức Anh cho biết Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương sẽ phối hợp với các đơn vị có kinh nghiệm trong sản xuất vắc-xin. Tuy nhiên, để làm được điều này sẽ cần có thêm thời gian.
Đến thời điểm này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Việt Nam vẫn bảo đảm cung ứng đủ sinh phẩm cho việc xét nghiệm. Trước khi có kết quả thí nghiệm phân lập thành công nCoV, các phòng thí nghiệm sử dụng 2 phương pháp xét nghiệm tìm virus corona, với thời gian xét nghiệm là 4-9,5 giờ tùy loại. Cả 2 phương pháp này đều phát hiện được virus corona nếu người bệnh đã nhiễm bệnh, kể cả khi trong giai đoạn ủ bệnh.
Nghiên cứu sản xuất kit xét nghiệm nhanh virus corona
Cùng ngày, Bộ Y tế xác nhận Bộ Khoa học và Công nghệ đã đặt hàng nhóm các nhà khoa học trong nước nghiên cứu và sản xuất bộ kit xét nghiệm virus corona trong vòng 2 tuần. Khi có bộ kit này, thời gian thực hiện và có kết quả xét nghiệm virus corona tại Việt Nam sẽ tương đương Trung Quốc, hiện khoảng 2 giờ, tính từ thời gian xét nghiệm và dưới 4 giờ nếu tính cả thời gian chuẩn bị. Đây là thời gian xét nghiệm tìm virus corona được cho là nhanh nhất trong số 28 quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch cho đến nay. Thành viên nhóm nghiên cứu cho biết do bộ kit tương tự đã được triển khai thường quy xét nghiệm HIV và lao tại Việt Nam, nên khi thay hóa chất chuẩn với virus corona, Việt Nam sẽ sản xuất được bộ kit tìm virus corona, với thời gian xét nghiệm nhanh hơn so với hiện nay.
Mở ra phương pháp phòng, điều trị bệnh
Trung tâm Cúm quốc gia thuộc Viện Pasteur TP HCM là 1 trong 3 đơn vị xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm liên quan đến nCoV. PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, cho rằng việc Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nuôi cấy và phân lập thành công nCoV sẽ mang lại hiệu quả cao cho công tác phòng chống dịch bệnh này. TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC – Bộ Y tế), cũng đánh giá đây là thành quả y học rất quan trọng, từ đó mở ra các phương pháp phòng, điều trị hiệu quả bệnh do nCoV.
Trả lời câu hỏi việc phân lập được nCoV có ý nghĩa như thế nào trong việc sản xuất vắc-xin, ông Thái cho rằng chủng nCoV mới phân lập được chỉ là chủng thuần khiết, còn nghiên cứu để sản xuất vắc-xin sẽ khác vì phải bảo đảm được mức độ an toàn, tính hiệu quả, khả năng nhân lên, rất nhiều yếu tố và các yếu tố này phải có các thông số rõ ràng. Về nguyên tắc chung, khi có chủng thì có thể sản xuất được vắc-xin. Việc sản xuất vắc-xin không quá khó nhưng vấn đề là chủng đó có bảo vệ được hay không, có áp dụng được lên người hay không… “Trước mắt, IVAC đang thu thập thông tin về chủng mới nCoV để hướng tới việc nghiên cứu, còn việc sản xuất vắc-xin là câu chuyện dài. Không thể một vài tháng mà phải một vài năm” – ông Thái nói.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.