Viettel và hành trình khẳng định thương hiệu Việt

Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, Tập đoàn Viễn thông Quân đội -Viettel đã xây dựng tầm nhìn lâu dài về việc đầu tư ra thị trường nước ngoài.

Khai trương mạng Metfone tại Campuchia. ẢnhVGP/Thanh Thủy

Tháng 8/2006, Viettel chính thức đặt nền móng cho sự nghiệp kinh doanh tại nước ngoài của mình ở thị trường Campuchia. Với chi phí hơn 30 triệu USD, sau hơn 1 năm xây dựng mạng Metfone của Viettel Cambodia đã chính thức đi vào hoạt động và hiện nay đang là mạng dẫn đầu trên 10 mạng truyền dẫn quang tại thị trường Campuchia.

Dám nghĩ, dám đầu tư

Tháng 8/2008, Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) đã chính thức nhận giấy phép đầu tư tại Lào với tổng số vốn hơn 80 triệu USD. Cũng với thời gian hơn 1 năm, mạng Unitel tại Lào đã đi vào hoạt động.

Với phương châm “Dám nghĩ khác, dám đi và lao động sáng tạo”, châu Phi và châu Mỹ Latinh đã trở thành thị trường chiến lược thứ 2 trên hành trình khẳng định thương hiệu Việt tại thị trường viễn thông thế giới của Viettel.
Vì vậy, quyết định đầu tư 60 triệu USD vào Haiti với thương hiệu Natcom đã đưa Viettel trở thành nhà mạng lớn nhất Haiti với việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ 3G qua cổng kết nối  internet quốc tế duy nhất của Haiti.

Nối tiếp thành công tại Haiti, tháng 5/2012, Viettel đã công bố chính thức kinh doanh tại Mozambique với tổng số vốn đầu tư 400 triệu USD để đóng góp 50% hạ tầng mạng di động tại đất nước này.

Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Viettel cho biết, một trong những yếu tố quyết định sự thành công bước đầu của Viettel trong chặng đường đầu tư ra nước ngoài chính là ý chí và cách làm của người lính. Tính kỷ luật, nhanh, quyết đoán và triệt để là một trong những chìa khóa để giúp Viettel có thể vượt qua nhiều đối thủ viễn thông lớn mạnh khác trên thế giới để có mặt tại 7 quốc gia nước ngoài hiện nay.

Hiện nay với 3 giấy phép đầu tư tại Peru, Cameroon và Timor Leste, Viettel sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai cơ sở hạ tầng mạng lưới để nhanh chóng khai trương và đi vào kinh doanh chính thức trong năm 2014 và 2015.

Khẳng định vị thế

Thành công của Viettel trong nước, cùng với sự khẳng định của các thương hiệu tại nước ngoài của Viettel đã được nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận.

Cụ thể, Viettel đã đạt giải thưởng “Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tốt nhất thế giới tại thị trường các nước đang phát triển năm 2009 (WCA); Top 100 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới (Informa PLC); Nhà cung cấp dịch vụ của năm tại thị trường đang phát triển khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Frost&Sullivan).

Thương hiệu Metfone tại Campuchia được công nhận là Nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất của năm tại thị trường mới nổi (Frost&Sullivan) năm 2010. Giải thưởng “Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tốt nhất thế giới tại các nước đang phát triển” (WCA) cũng được trao cho Metfone (2011) và Unitel tại Lào (2012).

Đặc biệt, tại Mozambique, Movitel đã được công nhận là “Nhà mạng có giải pháp tốt nhất giúp cải thiện viễn thông tại khu vực nông thôn” do Hiệp hội truyền thông Châu Phi trao tặng năm 2012 và là “Doanh nghiệp dẫn đầu về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực di động” do Tổ chức nghiên cứu thị trường Frost and Sullivan trao tặng cho Movitel năm 2013.

Không chỉ quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thị trường thế giới mà kết quả quá trình kinh doanh tại thị trường nước ngoài đã và đang đem về cho Viettel những “trái ngọt”.

Tại Campuchia, tới hết quý 3/2013, Metfone đã đạt doanh thu hơn 178 triệu USD, lợi nhuận trước thuế đạt 47 triệu USD. Về hạ tầng kỹ thuật, Metfone đã triển khai 4.200 trạm BTS, 15.000 km cáp quang. Thuê bao đạt gần 6 triệu thuê bao di động.

Doanh thu của Unitel tại Lào đã đạt 120 triệu USD, lợi nhuận trước thuế 49 triệu USD. Mạng lưới của Unitel hiện nay đang lớn nhất tại Lào với 2.500 trạm phát sóng, gần 20.000 km cáp quang. Thuê bao di động của Unitel hiện nay đạt 2,1 triệu.

Thương hiệu Natcom tại Haiti đạt doanh thu 59 triệu USD, lợi nhuận trước thuế là 577 nghìn USD. Natcom đang sở hữu 1.600 trạm BTS, 4.500 km cáp quang và 1,8 triệu thuê bao, đứng thứ 2 tại thị trường Haiti.

Đặc biệt, chỉ sau 6 tháng kinh doanh, Movitel tại thị trường Mozambique đã đem lại lợi nhuận cho Viettel. Tính hết quý 3/2013 đạt hơn 100 triệu USD. Với gần 3.000 trạm BTS và 23.000 km cáp quang, Movitel là nhà mạng có hạ tầng kỹ thuật lớn nhất Mozambique hiện nay.

Năm 2013, tổng doanh thu từ đầu tư nước ngoài của Viettel đạt gần 1 tỷ USD, tăng trưởng 36% so với năm 2012, lợi nhuận chuyển về Việt Nam dự kiến gần 150 triệu USD, gấp 2 lần so với năm 2012.

Chiến lược và tầm nhìn

Ông Lê Đăng Dũng cho biết, trong thời gian tới, Viettel xác định châu Phi và châu Mỹ Latinh là những thị trường chiến lược. Tuy nhiên, để mở rộng kinh doanh, nhà mạng lớn nhất Việt Nam này vẫn không ngừng tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh ở bất kỳ thị trường châu lục nào.

Đầu tư ra nước ngoài tiếp tục là một trong những chiến lược quan trọng của Viettel nhằm duy trì sự phát triển bền vững và xây dựng thương hiệu Viettel toàn cầu. Mục tiêu của Viettel là đến năm 2015 sẽ có được thị trường ở nước ngoài với quy mô 200-300 triệu dân. Khi đạt được con số này, Viettel sẽ trở thành 1 trong 10 doanh nghiệp viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới.

Tại các thị trường đã đầu tư, Viettel vẫn giữ chiến lược khác biệt hóa để thành công bằng cách làm nhanh, quyết liệt và hiệu quả như xây dựng hạ tầng mạng lưới sâu rộng đến tận các vùng sâu, vùng xa, sản phẩm-dịch vụ phong phú, giá cước linh hoạt và kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội. Bên cạnh việc “phổ cập” dịch vụ viễn thông, thị trường nước ngoài còn giúp Viettel có cơ hội mở rộng các lĩnh vực mới như truyền hình, sản xuất thiết bị, xuất nhập khẩu,…

Bên cạnh đó, mục tiêu phát triển doanh nghiệp của Viettel không chỉ trở thành tập đoàn cung cấp CNTT-VT lớn nhất Việt Nam mà phấn đấu để trở thành top 30 nhà cung cấp viễn thông lớn nhất thế giới; top 10 nhà đầu tư viễn thông toàn cầu vào năm 2015; đạt thị trường 500 triệu dân vào năm 2015 và thị trường 1 tỷ dân vào năm 2020.

Đồng thời, sẽ trở thành nhà sản xuất thiết bị CNTT-VT hàng đầu khu vực ASEAN vào năm 2015 với doanh thu 1 tỷ USD; làm bùng nổ thị trường CNTT Việt Nam bằng việc bình dân hóa dịch vụ, đưa CNTT-VT vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Nguồn chinhphu.vn