Vòng quanh giếng nước Mỹ Tho

 

Ngôn ngữ Nam bộ có sự phân định khá rạch ròi: cống là chỉ hệ thống thoát nước trong thành phố, giếng được tạo ra từ việc đào hoặc khoan nhằm mục đích hút nước từ tầng chứa nước dưới đất…và rất nhiều dạng khác như ao, hồ, đìa, mương, độn, trấp, bưng, lung, láng…Song cũng có trường hợp ngoại lệ, như cống Huế lại là con rạch lớn và giếng nước Mỹ Tho là một cái hồ rộng, cho nên nó trở thành địa danh độc nhất vô nhị.

1

Chiều trên giếng nước Mỹ Tho

Giếng nước Mỹ Tho nguyên thủy là hào thành Định Tường được đào năm 1826. Đoạn hào thành nầy xưa thuộc làng Bình Tạo, tổng Thuận Trị, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An. Lúc chiếm Định Tường, đề phòng nghĩa quân tấn công phía tây thành Định Tường, chính quyền thực dân đã cải tạo hào thành nầy thành kinh, đặt tên là kinh Nicolais. Khoảng năm 1883, chính quyền thực dân bắc hai cây cầu sắt kiểu Eiffel: Cầu phía trong (nay là đầu giếng nước, trên đường Ấp Bắc) tên là cầu Nicolais bắc qua đường địa hạt số 6/Route local N06 . Cầu thứ hai đoạn giữa không lót ván chỉ dành riêng cho xe lửa, gọi là cầu Hào/cầu Hào thành, nay ở đầu đường Lý Thường Kiệt.

1

Bên bờ giếng nước Mỹ Tho 

Đặc biệt ở gần vàm kinh, khoảng đường Lê thị Hồng Gấm có một cây cầu nhỏ của bà con làng Bình Tạo, gọi là cầu “trấn nước”. Cái tên này chỉ có lớp người ở tuổi cổ lai hy mới biết.

Nguyên phía tây vàm kinh Nicolais có đình Bình Tạo, trước sân đình có một cây da cổ kính. Khoảng năm 1902 vì nhu cầu khai thác thuộc địa, chính quyền thực dân Pháp lấy khoảnh đất sát vàm kinh Nicolais và sông Tiền lập một ụ sửa chữa xáng. Phía trong lấy đất đình lập một “phú de”/fourrière, tức kho chứa đồ rơi và chuồng nhốt chó đi lạc. Sau đó nhờ ông chủ nhà thuốc Nguyễn Văn Tri  giở ngôi đình tìm chỗ gởi và thỉnh tất cả hương án, bài vị, sắc phong đem về nhà, thờ trên lầu. Đến năm 1916, dân làng Bình Tạo tìm được một khoảnh đất ở đầu đường Vòng Lớn, nay thuộc đầu cầu Rạch Miễu, dựng lại ngôi đình như trước.

Mấy mươi năm trước đây, tại nền “phú de” còn một cây da lớn. Nguyên tắc của “phú de” là khi thu nhận được một món đồ rơi rớt hoặc bắt được con chó chạy lạc thì phải giữ gìn nuôi dưỡng cẩn thận rồi thông báo cho người đến chuộc. Nhưng bọn quản lý thường tìm cách thủ tiêu đồ đạc và đem chó ra trấn nước làm thịt. Hàng đêm nghe tiếng chó tru trên nền đình Bình Tạo, địa điểm linh thiêng của làng nên dân đem lòng oán hận nên gọi cây cầu ở đây là cầu “trấn nước”.

1

 Bên bờ giếng nước Mỹ Tho 

Kinh Nicolas theo thời gian bị bùn lấp cạn dần. Hai bên bờ cỏ lau rậm rạp. Đến năm 1927, kỹ sư người Pháp Partilény lập đề án cải tạo kinh Nicolas thành hồ chứa nước. Kế hoạch nầy chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn một, hàn kín hai đầu kinh, phá cầu Nicolais. Giai đoạn hai, thuê 300 nhân công vùng Hóc Môn, Bà Điểm, Gò Công…nạo vét và dùng xe rùa chở đất lấp các chỗ trũng trong thành phố. Kế hoạch dự định trong 7 tháng sẽ hoàn tất. Tuy nhiên, thời điểm nầy các phong trào đấu tranh của công nhân lao động đang được khởi xướng. Tại chợ Mỹ Tho nổ ra nhiều cuộc biểu tình. Do bận đối phó với tình hình trên và không có nhân công làm việc nên công trình nầy đến năm 1933 mới hoàn thành. Theo ông Phạm Văn Xuyên, ở ấp Bình Trị, xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, vào năm 1932, ông có tham gia các cuộc biểu tình ở Mỹ Tho và bị bắt phạt làm xâu một tuần. Lúc ấy giếng nước đã đào gần xong. Nhóm làm xâu của ông thực hiện công việc đẩy xe chuyển đất di nơi khác và tu sửa bờ giếng hoàn chỉnh.

1

Giếng nước lớn nhìn từ trên cao . 

Giếng chia thành hai ô: giếng nhỏ nằm sát sông Tiền, hình vuông mỗi cạnh khoảng 150 mét. Giếng lớn phía trong hình chữ nhật, dài 800 mét, rộng 150 mét. Đầu giếng nước, sát bờ rạch Bảo Định có chợ Thạnh Trị. Ngôi chợ được lập năm 1954. Tại đây xưa có bến đò qua làng Thạnh Trị, tục gọi là bến đò Thạnh Trị. Đây cũng là khu vực dân cư sinh sống lâu đời, thời Pháp thuộc đã có nhà máy ép dầu dừa, lò heo…Quyển Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong xuất bản năm 1909 ghi “Lò heo, lò gạch tro tàn gió bay…” mô tả trận bão năm Giáp Thìn 1904.

Bên bờ tây giếng nước có một khu mộ, gọi là đất Thánh tây. Trong khu nầy có nhiều ngôi mộ lính Tây chết trận, đồng thời cũng có số Việt gian được chôn bên cạnh quan thầy, được xây đủ kiểu. Trong đó có ngôi mộ đáng chú ý là ngôi mộ trung tá Bourdais, tên chỉ huy xâm lược tấn công thành Định Tường, bị đạn thần công giết chết ngày 12-4-1861 tại Trung Lương . Sau khi chiếm thành Định Tường, thực dân Pháp đã cải táng đưa xác Bourdais vào chôn giữa thành để tôn vinh. Khi chỉnh trang đô thị, đắp đại lộ Bourdais (nay là đại lộ Hùng Vương), ngày 24 – 6 -1899, xác Bourdais lại được cải táng đưa ra đất Thánh tây. Ngoài ra để ghi công cho tên trung tá chết trận, chính quyền Thực dân còn đặt tên cho lộ chính ở Mỹ Tho là đại lộ Bourdais.

1

 

Đại lộ  Bourdais nay là đại lộ Hùng Vương.

Khoảng năm 1920, họ xây dựng ở cuối đại lộ Bourdais một “đài chiến sĩ”, kỉ niệm những thanh niên chết trận trong thế chiến 1914 -1918. Đài chiến sĩ nầy bị phá khoảng năm 1956 cùng lúc với việc đổi tên đại lộ Bourdais thành đại lộ Hùng Vương. Tên cầu Đài chiến sĩ vẫn còn người nhắc đến.

1

 Một góc giếng trời và nhà bia ghi danh liệt sỹ. 

Sau năm 1980, do yêu cầu phát triển thành phố Mỹ Tho, đám mả ở đất thánh Tây bị giải tỏa. Lúc bấy giờ người ta phát hiện nhiều ngôi mộ trống rổng, không có quan tài, thì ra bọn thực dân xây những cái mộ giả để bọn tay sai đặt tràng hoa, mặc niệm chứng tỏ lòng trung thành.

Giếng nước Mỹ Tho hiện thời đã được cải tạo, không còn rộng như trước. Tuy nhiên địa danh nầy cũng đã trở thành biểu tượng văn hóa khi mọi người nhắc đến Mỹ Tho.

 

THTG tổng hợp  theo Nguyễn Ngọc Phan 

Viết nhân hội thảo 330 năm ngày thành lập Mỹ Tho đại phố