Vụ thịt ngựa giả thịt bò ở châu Âu: Bê bối đạo đức!
Vụ bê bối thịt ngựa giả là cú sốc lớn với người tiêu dùng châu Âu, nơi nổi tiếng nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Vụ scandal thịt ngựa giả thịt bò bị phanh phui từ khoảng 1 tuần qua và mỗi ngày lại thêm nhiều chi tiết mới. Tính đến hết ngày 17/2, tổng cộng đã có 11 nước châu Âu có dính líu đến vụ việc này, ngoài nước được cho là nơi xuất phát của thịt ngựa giả thịt bò là Romania thì còn có 10 nước khác đã bị phát hiện có thịt bò giả trên thị trường.
Theo cơ quan chống gian lận thương mại của Pháp thì tổng cộng đã có 750 tấn thịt ngựa giả thịt bò bị đưa ra thị trường, trong đó 550 tấn dùng để chế biến thành khoảng 4,5 triệu sản phẩm thịt đông lạnh để bán ở 13 nước châu Âu. Những con số trên đủ cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nhất là khi các sản phẩm thịt ngựa giả thịt bò lại là những sản phẩm tiêu dùng hết sức thông dụng ở các nước châu Âu như sốt thịt bò Lasagne, Bolognaise dùng cho món mỳ Ý, hay thịt bò viên dùng làm nhân pizza hay hamburger…
Một sản phẩm có chứa thịt ngựa giả thịt bò |
Ở Anh, một trong những nơi đầu tiên phát hiện ra vụ scandal này, có khoảng 1/3 số người tiêu dùng được hỏi cho biết họ đã ngừng tiêu thụ các loại thực phẩm được chuẩn bị sẵn. Ở Pháp, các hãng phân phối thực phẩm như Findus hay Comigel cũng tuyên bố thu hồi một vài sản phẩm chế biến sẵn có liên quan đến thịt bò hay thịt ngựa. Một loạt các nước như Đức, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Ireland, Áo… cũng áp dụng các biện pháp tương tự.
Có thể nói, scandal thịt ngựa giả thịt bò lần này là một cú sốc khá lớn với người tiêu dùng ở châu Âu bởi châu Âu vốn nổi tiếng là nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và người tiêu dùng châu Âu cực kỳ khắt khe với vấn đề vệ sinh thực phẩm và sức khỏe. Ở Pháp, các tờ báo đã gọi scandal này là “một sự vô trách nhiệm không giới hạn” của các nhà sản xuất.
Theo các chuyên gia y tế và dinh dưỡng thì nếu thịt ngựa được dán mác thịt bò là thịt ngựa nguyên chất, thịt ngựa “sạch” thì không vấn đề gì bởi thịt ngựa cũng là loại thực phẩm có dinh dưỡng và được tiêu thụ nhiều ở châu Âu. Vấn đề là người ta nghi trong các loại thịt ngựa được cho là có nguồn gốc từ Romania này có các loại chất cấm có thể gây bệnh cho con người. Các con ngựa bị giết thịt có thể trước đó là ngựa đua, ngựa chở hàng và thường được cho dùng chất kích thích để tăng sức khỏe. Sau đó, do Romania cấm ngựa chở hàng lưu thông trên đường nên chúng bị đưa vào các lò mổ để xẻ thịt rồi các hãng phân phối dán mác thịt bò mang đi tiêu thụ khắp châu Âu. Vì thế, vụ scandal này cũng là một scandal lớn về vấn đề đạo đức.
Các nước có liên quan đều đã đưa ra các biện pháp. Ở Anh, trung tâm của scandal, qua kiểm tra 2.501 sản phẩm dán mác thịt bò thì đã phát hiện 29 sản phẩm thực ra là thịt ngựa. Hãng phân phối Asda đã ra thông báo cách đây vài hôm là họ sẽ thu hồi 4 sản phẩm bị phát hiện có thịt ngựa. Ở Pháp, hãng Comigel cũng cho thu hồi tất cả các sản phẩm thịt đông lạnh. Spanghero, nhà nhập khẩu chính các sản phẩm này thì đang bị điều tra về gian lận kinh tế và gần như chắc chắn sẽ bị kiện ra tòa.
Tiến hành xét nghiệm thịt ngựa. Ảnh: EPA |
Một cơ sở sản xuất của Spanghero, nơi có 300 công nhân, đã bị tạm dừng hoạt động và phán quyết từ chính quyền Pháp có thể đến ngay trong hôm nay (18/2) hoặc ngày mai. Tại Đức, các chuỗi siêu thị như Real, Edeka cũng đã cho kiểm tra tất cả các sản phẩm có mác thịt ngựa và cho thu hồi phần lớn các loại Lasagne. Các nước như Thụy Sỹ, Đan Mạch, Áo… cũng có các hành động tương tự. Có nước như đảo Síp còn cho tiêu hủy 16 tấn thịt bò băm vì phát hiện đó là thịt ngựa giả mạo không rõ xuất xứ. Nói chung, các nước có liên quan đều hành động rất quyết liệt bởi đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Đối với ngành công nghiệp chế biến thực phẩm ở châu Âu, vụ việc chắc chắn sẽ gây những tác động xấu, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng đến đâu thì vẫn cần chờ thời gian bởi việc điều tra vẫn chưa kết thúc, mỗi ngày lại có thêm một vài công ty phân phối thực phẩm bị phát giác gian lận. Như ở Pháp thì việc điều tra và đưa ra các án phạt đối với các công ty gian lận như Spanghero hay Comigel… phải nhiều ngày nữa mới có thể hoàn tất.
Về lâu dài, vụ việc này cũng có thể tác động ít nhiều đến công nghiệp thực phẩm ở châu Âu trong vấn đề liên quan đến xuất xứ sản phẩm, nhất là sản phẩm đến từ các nước tạm gọi là kém phát triển ở Nam Âu hay Đông Âu. Cũng có một vài tiếng nói lên tiếng đòi đưa các công đoạn sản xuất của dây chuyền sản phẩm về lại các nước bản địa, vừa để đảm bảo tính xuất xứ của sản phẩm, vừa để tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động trong thời khủng hoảng.
Tuy nhiên, scandal này cũng không thể ngay lập tức thay đổi bức tranh của nền công nghiệp thực phẩm châu Âu bởi trong quá khứ gần đây, châu Âu cũng không ít lần phải đối mặt với các vụ bê bối về thực phẩm mà nổi tiếng nhất là vụ thịt bò điên xuất xứ từ Anh. Sự tác động đến toàn bộ nền kinh tế châu Âu, vì thế, cũng rất giới hạn, chủ yếu ở đây là một cú sốc về niềm tin của người tiêu dùng, ở một thị trường được coi là khắt khe bậc nhất thế giới./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.