Vua Phật – bản hùng ca hun đúc ý chí tự lực, tự cường

Đúng dịp phật tử cả nước đang hướng tới lễ kỷ niệm 707 năm Ngày nhập niết bàn của Phật hoàng Trần Nhân Tông (1-11 âm lịch), Nhà hát Cải lương Việt Nam đã kịp ra mắt vở diễn Vua Phật, như một cách để tri ân và tôn vinh vị “Vua đời-Vua đạo”, người đã gây dựng nên một trong những giai đoạn lịch sử đáng tự hào nhất của dân tộc Việt Nam và để lại di sản quý giá về trí, đức, công, hạnh cho hậu thế.

 Một cảnh trong vở diễn Vua Phật.
Một cảnh trong vở diễn Vua Phật.

Kéo dài 150 phút, vở diễn bao gồm tám đại cảnh tái hiện cuộc đời Vua Trần Nhân Tông, từ khi người xuất gia với cương vị thái tử, tới khi về cung, lên ngôi, lãnh đạo quân và dân Đại Việt hai lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông, sau đó nhường ngôi cho con trai rồi đi tu, lên núi Yên Tử lập ra Thiền phái Trúc Lâm và hiển Phật. Đây không phải lần đầu sân khấu khai thác đề tài này. Trước đó, cuộc đời và tài năng của vị vua đời thứ ba nổi tiếng nhất trong 14 triều vua nhà Trần đã trở thành cảm hứng của nhiều vở diễn ở các thể loại tuồng, chèo và cả truyền hình. Song điểm đặc biệt làm nên sức hấp dẫn của Vua Phật là tập trung khai thác những tình tiết cho thấy nhân cách sáng ngời, trí đức siêu quần của một vị vua toàn tài ở nhiều mặt. Và thêm một lần nữa, Vua Phật khẳng định tầm quan trọng của kịch bản sân khấu đối với sự thành công của một vở diễn. Vở diễn được chuyển thể cải lương từ kịch bản văn học của TS Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Tôn giáo (Ban Tuyên giáo Chính phủ), người có hơn 20 năm nghiên cứu về tôn giáo nói chung, Phật học nói riêng. Nhờ đó, Vua Phật đã chuyển tải được nhiều kiến giải sâu sắc và mới mẻ của tác giả về cuộc đời Vua Trần Nhân Tông: “một nhà lãnh đạo tài ba, một nhà chính trị kiệt xuất, một nhà văn hóa lớn, một lãnh tụ tôn giáo tuyệt vời, bậc Tổ sư của dòng Thiền Trúc Lâm riêng có ở Việt Nam còn tồn tại tới ngày nay” (trích kịch bản văn học). Nhưng cũng vì thế, vở diễn trở thành một thử thách đối với đạo diễn Triệu Trung Kiên và ê-kíp diễn viên trẻ của Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Không dùng lối bài trí truyền thống, sân khấu Vua Phật được làm mới bởi những hình ảnh thay đổi liên tục trên hai màn hình led lớn kê dọc hai bên, tích hợp cùng tiếng mưa rơi, tiếng chim hót, tiếng gió rít, tiếng sấm chớp đì đoàng… Những hiệu ứng điện ảnh được huy động một cách sáng tạo đã mang đến cảm giác chân thực, mới mẻ cho sân khấu truyền thống. Vở diễn được cấu trúc theo hai hồi: hồi một là giai đoạn Vua Trần Nhân Tông lên ngôi, trị vì đất nước (diễn viên Minh Hải thể hiện); hồi hai là giai đoạn Vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngôi vua, lên núi Yên Tử xuất gia và trở thành Vua Phật (diễn viên Quang Khải thủ vai). Diễn viên Quang Khải cho biết: Để vào vai, anh và các đồng nghiệp đã phải tìm hiểu rất kỹ về cuộc đời Vua Trần Nhân Tông cũng như làm việc cùng các nhà sư để hiểu về Thiền phái. Cuộc sống hằng ngày vốn hối hả, bận rộn cho nên để thể hiện phong thái của một vị Vua Phật là điều vô cùng khó, đòi hỏi nhân vật chính phải nhập thiền, cố gắng đưa mình về trạng thái tĩnh để cảm và diễn. Chữ “Phật” xuất hiện trên phông chính sân khấu từ đầu đến cuối vở diễn cũng chính là ý đồ của những người thực hiện để khẳng định suốt cuộc đời Vua Trần Nhân Tông luôn có Phật tại tâm. Ngay từ khi còn trẻ, Người đã từng có thời gian xuất gia. Đến khi đất nước nguy nan, Người lại xuống núi để làm tròn trách nhiệm của bậc quân vương. Cả trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và trị vì đất nước, Người luôn lấy tư tưởng khoan dung và hòa giải của đạo Phật để quyết định mọi vấn đề. Khi chiến tranh thì vua tôi “sát thát”, một lòng giết giặc; nhưng khi giặc thua, nhìn thấy thây giặc mà xót thương không khác gì quân mình tử trận. Trong Vua Phật, cảnh Trần Nhân Tông cởi áo long bào trùm xác kẻ thù và yêu cầu quân binh chôn cất tử tế không khỏi gây xúc động cho nhiều người xem. Chi tiết Người bày tỏ sự đồng cảm thương xót cho thân phận của công chúa Ứng Thụy khi triều Lý phải nhường ngôi cho triều Trần cũng là chi tiết đắt giá làm ngời sáng tinh thần từ bi nhân hậu của Vua Trần Nhân Tông. Sau chiến thắng quân Nguyên Mông, Người ban thưởng cho những người có công và tha lỗi cho những người có tội, từ đó tránh được cảnh huynh đệ tương tàn… Từ đây, có thể thấy, ngay từ trẻ, Trần Nhân Tông đã “liễu đạo”, và việc từ bỏ ngôi vua để xuất gia âu cũng là để thực hiện tâm nguyện đã ấp ủ từ lâu.

Theo dõi vở diễn, nếu để ý kỹ sẽ thấy tình tiết dẫn dắt và lý giải việc Vua Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng để tu hành nằm ngay ở câu chuyện Người dạy con trước lúc xuất gia. Người nói: “Giết hổ tưởng khó mà dễ hơn chia thịt hổ”. Bởi để giết hổ dữ, ai cũng đồng lòng hướng mũi tên, chĩa ngọn giáo về phía nó mà giết cho kỳ được. Nhưng khi chia thịt, ai cũng muốn phần hơn, vì thế dẫn tới tranh công, đổ lỗi, sinh hiềm khích, tàn hại lẫn nhau. Đứng đầu thiên hạ phải biết: chống giặc ngoại xâm không khác gì giết hổ, nhưng khi hòa bình mới thật sự gian nan. Pháp trị có thể nghiêm nhưng khó tránh tệ nạn. Để giải quyết tận gốc không có cách nào khác là lấy đức lục hòa mà giáo hóa nhân tâm, đó là gốc bền để trên thuận dưới hòa, xã tắc trường tồn. Và bài học này đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Như vậy, Trần Nhân Tông xuất gia tu Phật không phải vì muốn lánh đời, yếm thế mà để dựng đạo trị đời, lấy đạo Phật để giáo hóa nhân tâm, vun bồi trí đức.

Ra mắt Vua Phật là cố gắng lớn của Nhà hát Cải lương Việt Nam bởi vở diễn được dàn dựng hoàn toàn từ nguồn kinh phí xã hội hóa dựa trên phát tâm công đức. Vẫn còn những chi tiết chưa thật chuẩn trong phục trang, lời thoại song về tổng thể, Vua Phật vẫn là vở diễn đáng xem và có giá trị nghệ thuật cao. Cùng với Trời Nam, Mê cung, Chuyện tình Khau Vai, Mai Hắc Đế,… Vua Phật tiếp tục khẳng định phong cách nghệ thuật chính thống của Đoàn I, Nhà hát Cải lương Việt Nam với chủ trương xây dựng những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, bảo toàn vẻ đẹp truyền thống của loại hình sân khấu cải lương, đồng thời tiếp thu các thành tố nghệ thuật mới để chinh phục khán giả đương thời.

Nguồn Nhân dân