Vùng ven Mỹ Tho hôm nay .
TP. Mỹ Tho hiện có 17 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 6 xã ngoại thành gồm: Tân Mỹ Chánh, Mỹ Phong, Đạo Thạnh, Trung An, Phước Thạnh và Thới Sơn. Tất cả các xã này đều được công nhận và tái công nhận xã văn hóa hàng năm.
Nhìn chung, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân các xã vùng ven từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn khoảng 2%, tất cả các hộ đều sử dụng nước sinh hoạt do hệ thống nước sạch cung cấp, lao động có việc làm ngày càng nhiều, nông thôn thành phố có bước phát triển vững chắc.
Ở xã Đạo Thạnh, từ khi có Quốc lộ 50, đường huyện 92A, 92D, đường Hùng Vương nối dài và khu dân cư… đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của xã ven này. Tới đây, khi Dự án Khu dân cư Bắc sông Bảo Định được thực hiện và phường Thạnh Mỹ được thành lập thì các yếu tố đô thị của khu vực này càng rõ nét hơn.
Đối với xã Tân Mỹ Chánh, việc triển khai thực hiện thí điểm nông thôn mới đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Mô hình kinh tế hợp tác tiếp tục phát huy hiệu quả và các tiêu chí của xã văn hóa ngày càng hoàn thiện cũng cho thấy sự phát triển đi lên của xã phía đông thành phố.
Nghiệm thu đường Bình Lợi 1 ở xã Tân Mỹ Chánh. Ảnh: N. TRUNG |
Khi chưa tách một phần diện tích và dân số để thành lập Phường 10, xã Trung An đã thể hiện rõ tính chất và xu hướng đô thị hóa. Địa bàn xã lúc bấy giờ có khu phố Trung Lương, Quốc lộ 1A và các đường tỉnh 870B, 864; có Khu công nghiệp Mỹ Tho và Cụm công nghiệp Trung An.
Hiện nay, tính chất và xu hướng đô thị hóa vẫn tiếp tục với tốc độ ngày càng nhanh ở xã Trung An; điều đó được chứng minh bằng việc TP. Mỹ Tho đã có đề án và trình cấp có thẩm quyền về chia tách một phần diện tích và dân số của xã Trung An để thành lập phường Bình Tạo.
Còn Mỹ Phong, trước đây là một xã thuần nông, chủ yếu là trồng lúa, có lẽ vì thế mà danh tiếng gạo Gò Cát còn lưu truyền đến bây giờ. Theo đà chuyển đổi và cơ cấu lại ngành nghề sản xuất thì đất sản xuất nông nghiệp của xã Mỹ Phong ngày càng thu hẹp, lúa không còn là cây trồng chủ lực, thay vào đó là các loại rau màu, hoa kiểng.
Sự hiện diện của làng nghề bánh hủ tiếu và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã làm cho cơ cấu kinh tế của xã Mỹ Phong chuyển đổi theo hướng phát triển tiểu, thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ.
Phước Thạnh là một trong hai xã của huyện Châu Thành được sáp nhập về TP. Mỹ Tho từ tháng 9-2009 cũng trên đà phát triển. Ở TP. Mỹ Tho chưa có phường, xã nào như Phước Thạnh có đủ các trường của các bậc học phổ thông và mẫu giáo được xây dựng mới theo chuẩn quy định. Đường Một Quang – công trình giao thông quan trọng của Phước Thạnh có tổng mức đầu tư 7,2 tỷ đồng vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo thuận lợi cho việc đi lại và sản xuất của nhân dân xã vành đai xanh này.
Thới Sơn cũng là xã vừa sáp nhập về TP. Mỹ Tho. Với đặc điểm là xã cù lao mà dịch vụ du lịch và nuôi cá lồng bè là thế mạnh, Thới Sơn đã và đang được thành phố tập trung đầu tư để phát triển. Trong 5 đề án phát triển kinh tế thì Thới Sơn có đến 2 (Thương mại – dịch vụ – du lịch và khai thác – nuôi trồng thủy sản) đang được triển khai thực hiện.
Qua sông mà không phải lụy đò, cầu Rạch Miễu nối liền 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre cũng là chiếc cầu đưa cù lao Thới Sơn gần hơn với đất liền – một cơ hội hiếm có đối với vùng đất mà nơi tiếp giáp là bốn bề sông nước.
Nỗ lực xây dựng phát triển TP. Mỹ Tho đồng bộ, bền vững không chỉ là tập trung cho các lĩnh vực, các ngành kinh tế mà còn là sự quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng đều ở các phường, xã.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.