Vườn Quốc gia Ba Vì

         Nằm trên địa phận huyện Ba Vì (Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km, Vườn Quốc gia Ba Vì là địa điểm không thể bỏ qua đối với những du khách ưa khám phá, mạo hiểm. Vườn Quốc gia Ba Vì mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ và lôi cuốn với màu xanh ngát của núi rừng, cùng những dòng suối nhỏ trong vắt chảy ngang lối đi qua thảm động thực vật phong phú.

Với tổng diện tích khoảng 11.372ha, trong đó rừng nguyên sinh trải rộng 2.752ha, ở độ cao từ 100 – 1.296m của dãy núi Ba Vì hùng vĩ, Vườn quốc gia Ba Vì có hệ thực vật nhiệt đới và á nhiệt đới khá điển hình ở Việt Nam với bốn mùa cây cối xanh tươi, khí hậu trong lành, phong cảnh ngoạn mục, cảnh sắc thiên nhiên hòa quyện với con người.

Con đường độc đạo lên núi Tản Viên 

Lá phổi xanh của Hà Nội

Vườn Quốc gia Ba Vì ôm trọn 3 đỉnh núi cao nhất thuộc dãy Ba Vì là đỉnh Vua cao 1.296m, đỉnh Tản Viên cao 1.227m, đỉnh Ngọc Hoa cao 1.131m. Do địa hình núi cao, độ che phủ của rừng lớn tạo cho vùng Ba Vì có khí hậu rất mát mẻ, nhất là vào mùa hè; còn vào mùa đông, mây mù bao phủ tạo một cảnh quan rất ấn tượng.

Thảm thực vật ở đây rất phong phú với 3 thảm thực vật chính là: loại rừng kín lá rộng – một quần thể nguyên sinh với đầy đủ các loại cây bản địa tập trung ở núi Ngọc Hoa, Tản Viên, Đỉnh Vua với độ cao 1.000 m trở lên (so mực nước biển); loại rừng kín xanh hỗn hợp cây lá rộng, cây lá kim của rừng nhiệt đới núi thấp với độ cao 900m và loại rừng thưa nhiệt đới phân bổ đều khắp ở vành đai có độ cao 400-700 m xung quanh sườn núi Ba Vì.

Toàn cảnh nhà thờ cổ 

Người ta vẫn thường ví nơi đây là “lá phổi xanh” của Hà Nội. Hiện tại, Vườn Quốc gia Ba Vì có hơn 1.200 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 649 chi và 160 họ, trong số đó có khoảng 200 loài cây dược liệu, có 21 loài thực vật quý hiếm như: Bách xanh, Sến mật, Phỉ ba mũi, Dẻ tùng sọc trắng, Hoa tiên, Râu hùm, Kim tuyến… Tổng diện tích rừng của Vườn hiện nay là 8.192,5ha, chiếm 75,98% tổng diện tích tự nhiên toàn Vườn. Về động vật, nơi đây có 45 loài thú, 115 loài chim, 61 loài bò sát và 27 loài ếch nhái, trong đó có nhiều loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như gà lôi trắng, khỉ, báo, gấu, sóc bay…

Khu Du lịch Sinh thái lý tưởng

Sự ưu ái của thiên nhiên về địa hình, khí hậu đã tạo cho Vườn Quốc gia Ba Vì trở thành một trong bốn khu du lịch sinh thái vùng núi cao nổi tiếng (Đà Lạt, Sa Pa, Ba Vì, Tam Đảo) thu hút nhiều khách tham quan du lịch.

Đến với Vườn Quốc gia Ba Vì, dẫn lối du khách là những rừng thông vi vút, rừng tùng rộng lớn, tạo cảm giác như đang lạc vào miền đất kỳ diệu. Điểm đầu của cuộc hành trình là khu Trung tâm cốt cao 400m, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí mát lạnh của vùng núi Ba Vì và tìm dấu vết còn lại của khu nghỉ mát có từ năm 1940 do người Pháp xây dựng, dạo quanh công viên, chụp ảnh lưu niệm hoặc nghỉ trong các nhà hàng, nhà nghỉ được xây theo kiểu nhà sàn, uống các món giải khát hay các loại sữa bò.

Tiếp tục lên cao, du khách có thể thám hiểm cả những thác nhỏ khuất sâu trong núi, lên Cổng trời, khám phá nét hoang sơ của những phế tích ghi dấu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp như: Nhà thờ cổ, Cô nhi viện, nhà nghỉ của quan chức cấp cao Pháp, nhà tù chính trị, đặc biệt là Khu Di tích Lịch sử tại cốt 600m đánh dấu trận đánh táo bạo của Trung đoàn Ba Vì ngày 31/12/1951.

Lên đến độ cao 1200m là đỉnh núi Ba Vì. Phong cảnh ngoạn mục, sương bay bảng lảng, không khí mát mẻ trong lành nơi đây khiến ta tưởng như đang ở chốn bồng lai tiên cảnh. Leo tiếp 779 bậc đá phía Tây là lên đến Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và leo 225 bậc đá phía Đông là Đền Thượng, nơi thờ Thánh Tản Viên. Nếu còn sức, du khách có thể leo thêm mấy chục bậc đá nữa để lên đến đỉnh Vọng Cảnh với bốn bề kín mây dày đặc bao phủ.

Đền thờ Bác Hồ 

Ông Nguyễn Phi Truyền, Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì cho biết, với phương châm quản lý và bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân, Ban quản lý đã tích cực tổ chức khoán quản lý bảo vệ rừng cho hộ gia đình nhằm giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân vùng đệm, tăng thu nhập, đồng thời tăng cường trách nhiệm bảo vệ rừng của các hộ gia đình. Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng đã phối hợp chặt chẽ với các thôn, bản để đề ra quy ước bảo vệ rừng, xây dựng hệ thống đường dây nóng nhằm ngăn chặn các vụ phá rừng, nghiêm cấm hoạt động chặt phá rừng, đồng thời khuyến khích các tổ chức kinh doanh tích cực tham gia trồng, bảo vệ rừng để phục vụ phát triển kinh tế du lịch.

Với những tiềm năng sinh thái sẵn có và định hướng phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao, đa dạng, thân thiện với môi trường, trong tương lai không xa, Vườn Quốc gia Ba Vì sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước.