WHO: Phải sẵn sàng ứng phó với khả năng bùng phát đại dịch Covid-19
Mối quan ngại lớn nhất ở ngoài Trung Quốc
Theo số liệu thống kê mới nhất, trong 24 giờ qua, Iran đã ghi nhận 106 ca nhiễm mới. Số trường hợp tử vong ở Iran đã tới 26 người, cùng với 246 ca nhiễm virus nCoV. Trước tình hình này, Chính phủ Mỹ ngày 27-2 đã cho phép ngân hàng trung ương Iran, vốn đang chịu lệnh trừng phạt của Washington, thực hiện một số giao dịch thương mại nhất định phục vụ mục đích nhân đạo. Theo Bộ Tài chính Mỹ, bước đi trên nằm trong quyết định chính thức hóa một kênh viện trợ nhân đạo của Thụy Sĩ, để các doanh nghiệp có thể gửi thực phẩm, thuốc men và hàng hóa thiết yếu khác tới Iran.
Trong khi đó, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) công bố số liệu cập nhật cho biết có thêm 171 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.766 ca, tăng 505 ca so với một ngày trước đó. Đây là mức tăng cao nhất hàng ngày được ghi nhận tại quốc gia Đông Bắc Á này kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Trong phiên họp hàng tuần Ủy ban Thường trực Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Hàn Quốc, ngày 27-2, các quan chức cũng đã tính đến việc mở rộng sự hỗ trợ của quân đội trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Kích hoạt kế hoạch khẩn
Theo số liệu cập nhật công bố sáng 27-2 của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, nước này đã ghi nhận thêm 29 ca tử vong trong ngày 26-2. Đây là mức tử vong trong một ngày thấp nhất tại Trung Quốc trong gần một tháng qua, cũng là ngày đầu tiên tổng số ca nhiễm mới ở các nước khác nhiều hơn ở Trung Quốc.
Thông tin tích cực từ Trung Quốc vẫn chưa thể khiến thế giới lạc quan khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và nguy hiểm tại nhiều quốc gia khác. Đã xuất hiện thêm một số nước ghi nhận trường hợp nhiễm virus nCoV đầu tiên như Estonia, Đan Mạch…
Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe ngày 27-2 đề nghị tất cả trường học toàn quốc tạm thời đóng cửa để phòng dịch Covid-19 lây lan rộng. Thủ tướng Abe cho rằng thời điểm 1-2 tuần tới rất quan trọng đối với việc phòng dịch, do vậy cần cho học sinh nghỉ học trong thời gian này để tránh dịch bệnh lây lan rộng.
Chiều 27-2, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố nước này xác định dịch Covid-19 là một đại dịch, đồng thời thông báo kích hoạt một kế hoạch khẩn cấp ứng phó với sự bùng phát của dịch bệnh nguy hiểm này. Litva đã ban bố tình trạng khẩn cấp trước nguy cơ lây lan virus nCoV.
Mặc dù đánh giá nguy cơ dịch Covid-19 lây lan tại Mỹ vẫn thấp, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã chỉ định Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phụ trách công tác ứng phó với dịch Covid-19. Trước đó, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer, đã gửi đề xuất tới Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Mỹ, theo đó yêu cầu khoản ngân sách khẩn cấp trị giá 8,5 tỷ USD cho cuộc chiến chống lại dịch Covid-19.
Tính đến 22 giờ ngày 27-2 (theo giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có 82.588 ca nhiễm và 2.814 ca tử vong do dịch Covid-19. Dịch bệnh đã xuất hiện và lây lan tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo chuyên gia Chung Nam Sơn, người đứng đầu nhóm nghiên cứu dịch bệnh Covid-19 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), chủng mới của virus nCoV có điểm đặc trưng là gây ra một lượng lớn chất nhầy bám dính trong vùng trong tiểu phế quản của bệnh nhân. Việc những chất nhầy này cản trở đường thở có thể dẫn tới tình trạng nhiễm trùng thứ phát và nhóm của ông Chung đang nghiên cứu cách thức giải quyết vấn đề này.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.