WHO: Tuổi thọ toàn cầu giảm mạnh, thụt lùi về mức của năm 2012
Báo cáo Thống kê Y tế thế giới 2024 đưa ra những con số đáng ngại về tuổi thọ và mô hình bệnh tật nhưng có một tin tốt cho khu vực có Việt Nam.
Theo thông cáo báo chí toàn cầu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát đi khuya 24-5, từ năm 2019 đến năm 2021, tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm tới 1,8 năm và tuổi thọ khỏe mạnh giảm tới 1,5 năm.
Đại dịch COVID-19 có liên quan lớn nhưng không phải nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà là nhóm bệnh không lây nhiễm.
Theo WHO, sự sụt giảm này đã xóa bỏ một thập kỷ tiến bộ về tuổi thọ, đẩy tuổi thọ trung bình xuống còn 71,4 năm, tuổi thọ khỏe mạnh xuống 61,9 năm, tương đương mức của năm 2012.
Báo cáo Thống kê Y tế thế giới 2024 cũng nêu bật những tác động được cảm nhận không đồng đều trên toàn thế giới.
Trong đó, các khu vực dịch tễ Châu Mỹ và Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với tuổi thọ giảm khoảng 3 năm và tuổi thọ khỏe mạnh giảm 2,5 năm trong những năm 2019-2021.
Ngược lại, khu vực dịch tễ Tây Thái Bình Dương bị ảnh hưởng tối thiểu trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, với mức giảm tuổi thọ dưới 0,1 năm và tuổi thọ khỏe mạnh giảm 0,2 năm.
Khu vực dịch tễ vốn có sự khác biệt với khu vực địa lý. Trong đó, Việt Nam được WHO xếp vào khu vực Tây Thái Bình Dương, là khu vực ít bị ảnh hưởng nhất này.
Tuổi thọ là số năm sống đơn thuần, trong khi tuổi thọ khỏe mạnh là số năm một người có thể sống khỏe mạnh và độc lập, tức không bị hạn chế về khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày do bệnh tật hoặc suy giảm chức năng.
Tuổi thọ trong thập kỷ qua sụt giảm mạnh, chủ yếu trong giai đoạn 2019-2021 xảy ra đại COVID-19. Đại dịch này là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 3 trên toàn cầu vào năm 2020 và thứ 2 vào năm 2021. Gần 13 triệu người đã thiệt mạng trong giai đoạn này.
Các ước tính mới nhất tiết lộ rằng ngoại trừ khu vực châu Phi và Tây Thái Bình Dương, COVID-19 nằm trong số 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nơi khác, đặc biệt trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở châu Mỹ trong cả 2 năm 2020-2021.
Tuy vậy, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở mọi khu vực vẫn là bệnh không lây nhiễm (NCD).
Các bệnh nổi trội nhất, gây tử vong nhiều nhất trong nhóm NCD bao gồm bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh Alzheimer và các chứng mất trí nhớ khác, bệnh tiểu đường.
NCD là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất trước đại dịch, gây ra 74% tổng số ca tử vong năm 2019. Ngay cả trong thời kỳ đại dịch, các bệnh không lây nhiễm vẫn tiếp tục chiếm 78% số ca tử vong không do COVID-19.
Trước đây, từng có một số báo cáo nêu bật lo ngại về điều này, bởi trong giai đoạn đại dịch COVID-19, công tác quản lý các bệnh không lây – thường là diễn tiến mạn tính – có thể bị lơ là ở góc độ cá nhân lẫn cộng đồng.
Ngoài ra, thế giới phải đối mặt với một vấn đề lớn và phức tạp là gánh nặng kép về suy dinh dưỡng, trong đó suy dinh dưỡng cùng tồn tại với thừa cân và béo phì.
Vào năm 2022, hơn 1 tỉ người từ 5 tuổi trở lên sống chung với bệnh béo phì, trong khi hơn nửa tỉ người bị thiếu cân. Các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng này cũng góp phần gây gia tăng về số ca và làm trầm trọng thêm nhóm bệnh không lây nhiễm.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, các số liệu này cho thấy song song với nhiều tiến bộ giúp hàng tỉ người được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế và được bảo vệ tốt hơn trước các tình huống khẩn cấp, báo cáo này cho thấy tiến bộ có thể rất mong manh.
Đó cũng là một trong những lý do WHO đang thúc đẩy một thỏa thuận đại dịch mới nhằm tăng cường an ninh y tế toàn cầu, đồng thời bảo vệ các khoản đầu tư dài hạn vào y tế và thúc đẩy công bằng trong và giữa các quốc gia.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.