Xăng dỏm: đổ 1 lần cũng nguy cơ cháy xe
Chiều 17-5, Sở Khoa học – công nghệ TP.HCM đã công bố bước đầu kết quả nghiên cứu nguyên nhân cháy xe máy từ nghiên cứu thực nghiệm theo hai hướng: nghiên cứu nhiên liệu sử dụng và động cơ sử dụng nhiên liệu.
Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, PGS-TS Phan Minh Tân (giữa) cùng các chuyên gia tham gia trả lời báo chí tại buổi họp báo chiều 17-5. Ảnh: THANH ĐẠM |
Buổi họp báo chiều 17-5 công bố nguyên nhân gây cháy xe có rất đông phóng viên cùng các đại biểu tham dự. Ảnh: THANH ĐẠM |
Kết quả kiểm nghiệm. Ảnh: Thanh Đạm |
Một vụ cháy xe máy sau khi vừa đổ xăng ngày 18-2-2012 – Ảnh: N.T.P. |
Công trình do Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu và Phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong ĐH Bách khoa thực hiện.
Nhóm nghiên cứu đã cho thấy với các loại xăng A83 và xăng có pha chất phụ gia như methanol nguy cơ cháy xe sẽ tăng lên đáng kể.
Cụ thể khi nghiên cứu thực nghiệm trên chiếc xe Ablade mới 100% cho vận hành trong điều kiện có tải trọng và vận hành như đang di chuyển trên đường, nhóm nghiên cứu nhận xét:
Với xăng có hàm lượng methanol cao (khoảng 10-15%), trong mười ngày ống dẫn nhiên liệu sẽ bị lão hóa hoàn toàn, các giắc cắm và những mối nối của ống dẫn nhiên liệu cũng có thể bị sút ra. Điều này có thể dẫn đến rò rỉ nhiên liệu, gây cháy nổ khi gặp tia lửa điện hoặc nhiệt độ cao.
Hao hụt xăng tăng lên đáng kể do áp suất hơi tăng lên, hao hụt xăng sẽ tăng qua đường hóa hơi. Nếu nhiên liệu lỏng không thể bốc cháy khi gặp nhiệt độ không khí nhỏ hơn 500oC. Tuy nhiên trong trường hợp này sẽ bốc cháy khi gặp nhiệt độ khoảng 490-492oC.
Ngoài ra, khi sử dụng xăng có hàm lượng methanol cao thì nhiệt độ thùng xe, mobin, nhiệt độ khoang động cơ, nhiệt độ khí thải đều tăng hơn xăng tiểu chuẩn A92 và A95. Theo TS Nguyễn Ngọc Dũng – phòng thí nghiệm động cơ đốt trong Đại học Bách khoa TP.HCM, những yếu tố này khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ gây cháy. Cụ thể nhất khi nghiên cứu vụ cháy xe ôtô hiệu Kia Spectra tại TP.HCM vào tháng 11-2011, nhóm nghiên cứu đã phát hiện đầu ống nối dẫn nhiên liệu của xe bị tuột ra, có thể do quá trình lão hóa do tác động của xăng dỏm từ trước. Và khi nhiên liệu chảy ra gặp nhiệt độ cao, lại có miếng vải quấn trên ống xả của xe đã đủ làm xe bốc cháy.
Nhóm nghiên cứu khuyến cáo: nếu như xăng kém chất lượng thì ống nhiên liệu có thể bị phá hủy, dù không ngay lập tức nhưng một thời gian dài. Đặc biệt nếu đổ chỉ một lần thì vẫn có thể làm biến tính các ống dẫn, goăng… làm tăng nguy cơ cháy xe. Đồng thời tuyệt đối không nên để điện thoại, hộp quẹt, pin trong thùng xe… đây là những vật có chất xúc tác gây cháy, rất nguy hiểm khi để trong thùng xe có nhiệt độ cao.
Ông Phan Minh Tân, giám đốc Sở Khoa học – công nghệ TP.HCM, nhận định qua nghiên cứu ban đầu có thể khuyến cáo ngay việc các xe gắn máy không nên dùng xăng A83, xăng trôi nổi có pha methanol vì các loại nhiên liệu này có khả năng làm cháy xe cao hơn xăng đúng tiêu chuẩn.
Tuy nhiên đây chỉ là kết quả nghiên cứu ban đầu, câu trả lời toàn diện về nguyên nhân cháy xe có thật sự hoàn toàn do xăng dỏm hoặc đều có liên quan đến xăng dỏm hay không hiện chưa kết luận được.
Do còn nhiều vấn đềv chưa thể trả lời như: vì sao ở miền Bắc xe cháy nhiều hơn miền Nam? Tại sao lượng xe cháy tăng đột biến?…
Đồng thời việc tăng lượng methanol nhập khẩu cũng chưa thể coi là nguyên nhân làm xuất hiện nhiều xăng dỏm vì không có kết luận nào là toàn bộ số methanol này đều được pha vào xăng.
Ông Nguyễn Anh Thi – phó trưởng ban khoa học và công nghệ ĐH Quốc gia TP.HCM – cho biết: “Sau khi công bố kết quả bước đầu, đưa ra khuyến cáo không nên dùng xăng A83 và xăng trôi nổi có chứa methanol, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu đề tài này để tìm ra những nguyên nhân cụ thể hơn, có cảnh báo cụ thể hơn”.
Về mặt quản lý, ông Phan Minh Tân cho biết sẽ kiến nghị ngừng hẳn việc nhập xăng A83 vì loại xăng này dễ gây cháy, dễ pha thành xăng A92 mà người tiêu dùng không thể nào kiểm tra được. Đồng thời sở sẽ có những buổi làm việc với các đơn vị sản xuất xe máy để xem xét lại một số yếu tố về kỹ thuật.
Những kết luận và khuyến cáo về hiện tượng cháy xe máy Các nguyên nhân cháy xe thường gặp: + Do người sử dụng để các nguyên liệu, vật dễ cháy trong xe. + Sử dụng nhiên liệu không phù hợp, chỉ số ron không đủ, chất phụ gia nhiều. + Có sự can thiệp vào hệ thống bảo vệ, gây chập mạch tia lửa điện. + Sự chủ quan của người sử dụng: rửa xe bằng vòi nước mạnh gây tróc ống dẫn, dây điện, thiếu sự kiểm tra định kỳ. Sử dụng phụ gia không đúng yêu cầu Khuyến cáo: – Sử dụng đúng xăng chuẩn, không sử dụng xăng trôi nổi. – Kiểm tra hệ thống truyền dẫn nhiên liệu. Tránh các thao tác gây chảy tràn nhiên liệu. – Không được lắp thiết bị phụ trợ. – Không chứa vật liệu cháy nổ trong thùng đựng mũ bảo hiểm. |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.