Xăng tăng giá 650 đồng/lít: Mới chỉ cho tăng 50%!

       Đại diện Bộ Tài chính cho biết, mức tăng 650 đồng/lít xăng chiều qua chỉ bằng 50% so với đề xuất của các doanh nghiệp. Vị này cũng nói, đến thời điểm này Quỹ bình ổn giá đã trích được khoảng 500 tỷ đồng.

Giá xăng A92 hiện ở mức 23.650 đồng/lít (ảnh minh họa).
Giá xăng A92 hiện ở mức 23.650 đồng/lít (ảnh minh họa).


Chiều qua 28/8, cùng với quyết định cho phép các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối điều chỉnh giá bán lẻ trong nước lên quanh mức 700 đồng/lít xăng và 500 đồng/lít dầu (các loại), Bộ Tài chính vẫn giữ mức trích Quỹ Bình ổn giá như hiện hành (300 đồng/lít,kg).

Giải thích về điều này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Quy định 300 đồng/lít trích Quỹ Bình ổn giá là cho phép tính vào giá thành sản xuất của doanh nghiệp. Nếu giờ không trích thì chúng ta sau này sẽ không có nguồn để sử dụng bù ra, để mức giá tăng thấp hơn.

Tính đến nay, số dư Quỹ bình ổn giá mới được 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số các doanh nghiệp trích quỹ bình ổn cũng không đồng đều, còn một số doanh nghiệp chậm trích lập.

Cũng theo ông Thỏa, trong thời gian qua (giai đoạn từ cuối 2010 và 2011) do diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng mạnh nên phải sử dụng quỹ bình ổn nhiều dẫn đến trong giai đoạn đó quỹ bị âm. Do đó, chúng ta cần tiếp tục trích để bù đắp lại số “âm” này.

Đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh, trong đợt điều chỉnh này, cả 3 thành tố tham gia thị trường là doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng đều phải chia sẻ quyền lợi. Doanh nghiệp tạm thời chưa được tính lợi nhuận định mức 300 đồng trong cơ cấu tính giá cơ sở. Người tiêu dùng phải chấp nhận tăng giá một phần, Nhà nước vẫn chưa thu thuế đủ theo dự định.

Trước bức xúc của dư luận về việc có thể giảm thuế nhập khẩu để giảm áp lực tăng giá, ông Thỏa cho biết chưa thể điều chỉnh thuế vì nhiều lý do. Thứ nhất, mức thuế hiện hành đang thấp hơn từ 5% – 8% so với barem. Thứ hai, theo cam kết hội nhập, Việt Nam phải áp thuế nhập khẩu tối thiểu 7% và cuối cùng là phải bảo đảm thu ngân sách để cân đối vĩ mô.

“Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng vấn đề này và đề nghị thuế tạm giữ như hiện nay. Trong thời gian tới, nếu giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục biến động tăng, liên Bộ Tài chính – Công Thương sẽ tiếp tục áp dụng đồng bộ các giải pháp để điều hành giá xăng dầu trong nước theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp với quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp”, ông Thỏa nói.

Về ý kiến cho rằng, Bộ chỉ chú trọng nguồn thu ngân sách, ông Thỏa lý giải: Chính vì xử lý theo hướng không tác động nhiều đến sản xuất, tiêu dùng nên chúng tôi chỉ cho phép các doanh nghiệp có thể định giá tăng bằng 50% mức giá phải tăng mà họ theo Nghị định 84. Thực chất, mức các doanh nghiệp tính là mức tính theo quy định của Nhà nước, còn thực tế, giá bán lẻ so với giá vốn của doanh nghiệp thực sự thì khác.

Theo ông Thỏa, hiện Thủ tướng đang giao Bộ Tài chính đánh giá và xem xét lại Nghị định 84, cuối tháng 12 báo cáo Thủ tướng bổ sung, sửa đổi.