Xuất khẩu gạo trở lại thời hoàng kim?

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có những gam màu sáng trở lại, gia tăng cả số lượng và giá cả xuất khẩu. Việc tiếp tục đầu tư vào vùng nguyên liệu gắn với các phân khúc thị trường tiêu thụ được xem là sự sống còn của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Thu hoạch lúa tại ĐBSCL

Thu hoạch lúa tại ĐBSCL

Gạo thơm, phẩm cấp cao áp đảo

Đến giữa tháng 8-2018, doanh nghiệp Việt Nam đã tập kết gạo tại cảng để chuẩn bị xuất khẩu lô gạo 60.000 tấn sang thị trường Hàn Quốc. Đây là lô gạo hạt tròn Japonica (lâu nay Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạo hạt dài), giá xuất khẩu dao động từ 638 – 648 USD/tấn – một mức giá mà gạo Việt từng mơ ước.

Đây cũng là dấu mốc cho xuất khẩu gạo của Việt Nam trở lại thời hoàng kim. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến cuối tháng 7-2018, các doanh nghiệp đã đăng ký hợp đồng xuất khẩu gần 5 triệu tấn gạo, tăng 14,28% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 3,7 triệu tấn gạo, đạt giá trị khoảng 1,8 tỷ USD; số lượng tăng 14,04%, giá trị tăng trên 27%, giá bình quân tăng 50 USD/tấn. Đây được xem là tín hiệu tốt nhất cho xuất khẩu gạo Việt Nam trong 5 năm qua. Ngoài sự tác động tích cực từ thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc, cần ghi nhận sự nỗ lực của nông dân và doanh nghiệp đã liên kết tạo nên các vùng nguyên liệu đa dạng cung cấp cho nhiều phân khúc xuất khẩu gạo. “Cách đây 10 năm, tôi thấy phân khúc gạo phẩm cấp thấp (giá xuất khẩu rất thấp) chiếm gần 60%, giờ tỷ lệ này đảo chiều ngoạn mục: gạo thơm, gạo phẩm cấp cao chiếm trên 60% (giá trị xuất khẩu rất cao). Đây là một nỗ lực không mệt mỏi của các doanh nghiệp và nông dân. Quan trọng là doanh nghiệp đã ý thức và có trách nhiệm khi đặt hàng và bao tiêu để nông dân trồng các giống lúa phù hợp với thị trường xuất khẩu”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, nhận định.

Đi đầu trong phong trào liên kết với nông dân là Công ty Gentraco. Hiện doanh nghiệp này duy trì sản lượng gạo khoảng 300.000 tấn/năm. Gentraco trang bị hệ thống chế biến gạo khép kín cho tất cả các công đoạn, từ khâu sấy lúa đến khâu đóng gói, đảm bảo đáp ứng được các đơn hàng khắt khe nhất của các siêu thị châu Âu, châu Mỹ… “Đến năm 2018, tổng diện tích vùng nguyên liệu của Gentraco đã mở rộng khoảng 1.000ha tại Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang… với những nhu cầu riêng biệt của thị trường. Hiện Gentraco đang liên kết với khách hàng ở châu Âu xây dựng khoảng 300ha vùng nguyên liệu có kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nông dân buộc tuân thủ quy trình sử dụng thuốc an toàn. Quy trình này giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và mang lại lợi ích cho môi trường”, bà Lưu Thị Lan, Phó giám đốc Công ty Gentraco, cho biết.

Cởi bỏ “chiếc áo chật hẹp”

Dự báo năm 2018, Thái Lan sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 10 triệu tấn gạo. Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, nước này đã xuất khẩu 5,32 triệu tấn gạo trong 6 tháng đầu năm, trị giá đạt 85,8 tỷ baht, giảm 2% so với cùng kỳ về số lượng nhưng tăng 7% về trị giá. Hiện giá gạo Thái Lan sau thời gian giảm giá liên tục do tác động của việc mất giá đồng baht cùng với yếu tố thu hoạch được mùa thì nay đã bắt đầu đổi chiều tăng giá trong 2 tuần qua. Giá gạo Thái Lan hiện giao dịch ở mức 385 – 390 USD/tấn đối với gạo 5% tấm. Song mức giá này vẫn thấp hơn giá bình quân của xuất khẩu gạo Việt Nam trong tháng 7-2018.

Xuất khẩu gạo từ đây đến cuối năm 2018 có cả “gam sáng” và sự thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, tại Indonesia, dự báo khả năng nước này sẽ có nhu cầu nhập khẩu gạo trong các tháng cuối năm với số lượng từ 1-2 triệu tấn. Trong khi tại Philippines, dự kiến tiếp tục nhập khẩu thêm khoảng 500.000 tấn trong năm 2018. Cùng lúc, Trung Quốc đã chính thức chấp thuận cho 19 doanh nghiệp Ấn Độ được phép xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sau khi gửi đoàn khảo sát đánh giá 19 doanh nghiệp đăng ký tham gia xuất khẩu gạo non-basmati theo thỏa thuận cấp chính phủ của hai nước. Cùng với đó là những tiến bộ vượt bậc của nghề trồng lúa ở Campuchia… Đây sẽ là những “đối thủ” trong tương lai của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam phải cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc.

Hình ảnh nông dân trồng lúa và xuất khẩu gạo của Việt Nam được cải thiện để giá xuất khẩu gạo qua mặt được Thái Lan như hiện nay là một chuỗi tác động từ nhiều chính sách. Trong đó, những cải tổ bước đầu để VFA không còn “mặt chiếc áo chật hẹp”, bó buộc với những đặc quyền, đặc lợi gắn với những doanh nghiệp nhà nước “đu đeo” theo các hợp đồng cấp chính phủ. Những quy định mới, thông thoáng để doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu gắn với các quy định trách nhiệm đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng vùng nguyên liệu đã tạo nên những đột phá từ vùng nguyên liệu trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Cụ thể như vụ lúa hè thu 2018, nông dân ĐBSCL đã chuyển biến mạnh trong nhận thức, trồng các giống lúa thơm cho giá trị cao để cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Cụ thể, nhóm lúa thơm (Jasmine 85, Nàng Hoa 9, VD 20, ST, RVT…) chiếm tỷ lệ 22,41%, tăng 8,49% so với vụ hè thu 2017; nhóm chất lượng cao chiếm trên 45%. Như vậy, 2 giống lúa thơm và chất lượng cao đã chiếm gần 70%. Qua đó, cho thấy cả nông dân và doanh nghiệp đã thay đổi tư duy trồng lúa và xuất khẩu gạo. Cả nông dân và doanh nghiệp đã nhận ra: Không phải bán cái mình có mà cần phải nắm bắt xu hướng của từng phân khúc gạo để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đáng phấn khởi là cả Bộ NN-PTNT và VFA đã ghi nhận: Cơ cấu các nhóm giống lúa tuân thủ theo khuyến cáo, riêng nhóm lúa thơm tăng hơn cùng kỳ, sự chuyển dịch từ giống lúa chất lượng cao sang lúa thơm rất rõ rệt trong vụ hè thu 2018.

Theo VFA, vụ đông xuân nông dân Nam bộ gieo sạ 1,65 triệu ha, năng suất ước đạt 6,8 tấn/ha, ước đạt 11,28 triệu tấn (ĐBSCL chiếm 10,83 triệu tấn), tăng 973.000 tấn so với vụ trước. Đối với vụ hè thu 2018, tổng diện tích gieo sạ 1,69 triệu ha, năng suất ước đạt 5,63 tấn/ha, sản lượng ước đạt 9,51 triệu tấn (ĐBSCL chiếm 9,03 triệu tấn), tăng 279.700 tấn so với hè thu 2017.

Nguồn SGGP