Xúc động với những tặng phẩm và chuyện chưa kể về Bác Hồ

79 hiện vật là 79 câu chuyện xúc động về tình cảm của Bác Hồ với mọi người, của nhân dân cả nước và bạn bè thế giới với vị lãnh tụ kính yêu.

Nhân dịp kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 18/5, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức triển lãm: “Tặng phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh- Những câu chuyện chưa kể”. Triển lãm giới thiệu 79 tặng phẩm tiêu biểu, độc đáo, ấn tượng liên quan điến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là những hiện vật có giá trị cao, nhiều hiện vật lần đàu được giới thiệu với công chúng, thể hiện theo các chủ đề: Tấm lòng của nhân dân Việt Nam; Tình cảm và sự ngưỡng mộ của nhân dân thế giới và Câu chuyện đằng sau những kỷ vật.

Xúc động với những tặng phẩm và chuyện chưa kể về Bác Hồ - ảnh 1Chiếc đài gắn bó với Bác Hồ gần 10 năm

Có lẽ, nhiều người biết đến chiếc đài nhãn hiệu GRUNDIG, được Bác Hồ đặt trên chiếc bàn trong phòng ngủ ở nhà sàn và sử dụng từ năm 1960 đến khi Bác qua đời. Nhưng câu chuyện đằng sau chiếc đài không phải nhiều người biết. Sáng ngày 10/1/1960, chuyến tàu đầu tiên chở 922 Việt kiều Thái Lan hồi hương cập bến Hải Phòng. Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống tận Hải Phòng đón tiếp. Tại đây, Người đã có buổi nói chuyện thân mật với kiều bào và nhân dân Hải Phòng. Cảm kích trước sự đón tiếp và giúp đỡ tận tình của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiều bào Thái Lan đã tự nguyện đóng góp tiền của để xây dựng đất nước. Với tình cảm đặc biệt dành cho Bác, họ gửi tặng chiếc đài này.

Một câu chuyện xúc động ấy là mỗi buổi tối, sau khi bớt công việc, Bác lại nằm nghe đài. Một lần, chú cảnh vệ vào, tưởng Bác ngủ nên tắt đài đi để Bác ngủ ngon giấc. Bác bảo, chú cứ để đấy, Bác mở cho có tiếng người.

Xúc động với những tặng phẩm và chuyện chưa kể về Bác Hồ - ảnh 2

Nhiều gia đình sẵn sàng gửi lại Bảo tàng những hiện vật và chia sẻ những câu chuyện giúp cho thế hệ sau hiểu về tấm gương đạo đức của Bác Hồ.

Bên cạnh nhiều hiện vật thể hiện tình cảm yêu mến của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đối với Bác là những hiện vật Bác Hồ tặng nhân dân và bạn bè quốc tế, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Người đối với nhân dân, bạn bè quốc tế.

Câu chuyện về chiếc áo len mà nghệ sĩ Linh Nhâm được Bác Hồ tặng năm 1967 một lần nữa cho thấy Bác không chỉ là một vị Chủ tịch nước với bộn bề công việc mà còn là một người cha, giản dị gần gũi, quan tâm từ những điều nhỏ nhặt nhất đến mỗi người khi Bác gặp.

Nghệ sĩ Linh Nhâm được biểu diễn phục vụ Bác Hồ từ năm 1959 đến khi Bác qua đời. Bà kể, chính Bác là người phát hiện ra tài ngâm thơ của bà. Một lần sau khi nghe bà hát dân ca, Bác hỏi: “Cháu có biết ngâm thơ không? Giọng cháu tốt đấy, hãy tập ngâm thơ để có thêm nhiều tiết mục phục vụ cho bộ đội”! Từ đó, bà quyết tâm học ngâm thơ và đã thành công. Đầu năm 1967, trước khi chuẩn bị vào chiến  trường khu IV phục vụ bộ đội, bà vinh dự được mời vào Phủ Chủ tịch ăn cơm cùng Bác. Sau đó, Bác tặng bà một chiếc áo len, lọ thuốc trừ muỗi và một lát sâm trắng với lời dặn: “Áo cháu mặc lúc lạnh, còn trong rừng rất nhiều muỗi, cháu lấy thuốc ra bôi, sâm thì cháu ngậm lúc nào thấy mệt”! Với nghệ sĩ Linh Nhâm, ký ức về Bác luôn thiêng liêng mà gần gũi như người cha của mình.

Mỗi món quà Bác tặng, đối với người được nhận là những báu vật vô giá.

Xúc động với những tặng phẩm và chuyện chưa kể về Bác Hồ - ảnh 3

Mỗi hiện vật là một câu chuyện xúc động về tình cảm của nhân dân cả nước với Bác Hồ, của Bác Hồ với nhân dân

Chị Nguyễn Thu Huyền- Cán bộ phòng sưu tầm, Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: “Trong quá trình sưu tầm hiện vật, tôi đã gặp nhiều người mà mỗi kỷ vật của Bác tặng họ đều trân trọng. Dù là cái kẹo, cái bánh Bác chia nhưng nhiều người không nỡ ăn. Hoặc khi bánh, kẹo chảy nước ra rồi, họ cẩn thận cất lại giấy bọc bánh, kẹo”.

Câu chuyện về bức ảnh và tấm huy hiệu mà Bác Hồ tặng bà Nguyễn Thị Kim Dung, Hải Hậu, Nam Định cũng được chị Huyền kể lại: “Bà Dung, 28 tuổi đã là Đại biểu Quốc hội khóa III. Trước đó, thời ở địa phương, nhờ thành tích xuất sắc, bà được lên Phủ Chủ tịch gặp Bác và được chụp ảnh chung với Bác trước thềm Phủ Chủ tịch. Về địa phương, nhận được tấm ảnh, cả đêm bà ôm ảnh trước ngực để ngủ. Đó là niềm xúc động lớn lao, tình cảm của bà dành cho Bác”.

Chị Huyền cũng chia sẻ: “Nhiều nhân chứng luôn gìn giữ kỷ vật Bác Hồ tặng, họ không muốn rời. Cán bộ sưu tầm phải kiên trì, khéo léo giải thích rằng, những hiện vật rất có giá trị, để ở gia đình thì chỉ gia đình các bác biết thôi, nếu gửi cho Bảo tàng Hồ Chí Minh gìn giữ và bảo quản, ngoài việc có thể bảo quản được hiện vật tốt hơn, Bảo tàng sẽ giáo dục lòng yêu nước tới thế hệ mai sau, giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức phong cách đạo đức Hồ Chí Minh tới nhân dân cả nước, tới thế hệ trẻ… Nhờ vậy, nhiều gia đình sẵn sàng gửi lại Bảo tàng những hiện vật và chia sẻ những câu chuyện giúp cho thế hệ sau hiểu về tấm gương đạo đức của Bác Hồ”.

Nguồn Tổ quốc